Thị trường

Bí kíp kiếm tiền từ “đại siêu thị” Facebook

19/06/2015, 07:28

Lợi thế tương tác giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ với khách hàng qua fanpage của Facebook khá nổi trội.

221
Fanpage của Lê Thị Huyền Anh với “nghệ danh” Bà  Tưng hiện có 3,4 triệu lượt like. Mức chi trả để được đăng thông tin trên fanpage này lên đến 20 triệu đồng

Facebook - mạng xã hội thu hút người dùng lớn nhất mở ra cơ hội giúp mỗi tài khoản cá nhân hay fanpage đều có thể trở thành kênh bán hàng trực tuyến trong “đại siêu thị” cho hơn 5 triệu người dùng tại Việt Nam và hàng tỷ người dùng toàn thế giới.

Mỗi fanpage, một showroom!

Sau gần một năm kinh doanh kém hiệu quả, tháng 9/2014, chị Đặng Phương Thảo, chủ một shop thời trang nữ tại phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội quyết định thuê một đơn vị lập, quản lý fanpage Giang Boutique trên Facebook để nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm với chi phí 500 - 700 nghìn đồng/tháng. Sau một thời gian vận hành, fanpage Giang Boutique có gần 2 nghìn lượt like - tương ứng mức tiếp cận thông tin của gần 2 nghìn người dùng Facebook. Ngoài trực tiếp chụp ảnh mẫu mã, sản phẩm mới (trung bình 2-3 lần/tuần), đối tác cũng thường xuyên cập nhật những thông tin hấp dẫn lên fanpage này để thu hút khách hàng. Sau hơn ba tháng vận hành, lượng khách đặt, mua hàng chỉ qua fanpage Giang Boutique mang lại doanh số 25-30 triệu đồng/tháng.

Từ đầu năm 2015, chị Thảo quyết định trả lại mặt bằng thuê tại Bạch Mai, chuyển địa điểm kinh doanh về nhà và duy trì bán hàng qua fanpage. “Doanh thu hiện chỉ quanh mức 30 triệu đồng/tháng - bằng 30-40% bán hàng trực tiếp, song tôi giảm được 70-80% chi phí, trong đó lớn nhất là chi phí thuê cửa hàng và nhân viên. Nhờ vậy, mỗi tháng tôi có thu nhập 3-5 triệu đồng, mà vẫn có thể kết hợp làm việc nhà”, chị Thảo chia sẻ.

Fanpage của Lê Thị Huyền Anh với “nghệ danh” Bà Tưng (hiện có 3,4 triệu lượt like), mức chi trả để được đăng một lần thông tin lên đến 20 triệu đồng. Trong trường hợp đặt đăng từ ba thông tin trở lên, anh Tuấn, quản lý fanpage này cho biết, mức chi phí được giảm còn 10 triệu đồng/lần đăng và có thể được xem xét ưu tiên đăng tải vào “khung giờ vàng”. 

Giang Boutique là một trong hàng trăm nghìn fanpage tại Việt Nam - công cụ giới thiệu thông tin, quảng bá, bán hàng khá hiệu quả hiện nay. Với hơn 5 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam và hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới, lợi thế tương tác giữa các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ với khách hàng qua fanpage của Facebook khá nổi trội so với các hình thức online như website, thư điện tử hay các mạng xã hội khác. Tương ứng với đó, hiệu quả kinh doanh qua kênh này không hề nhỏ.

Theo Tổng giám đốc Công ty Thiết kế thời trang quốc tế Alcado Dương Thu Hương, hiện doanh thu riêng từ fanpage Alcado trên Facebook của công ty chiếm 20-30% doanh số của toàn hệ thống với hàng chục showroom và nhiều đại lý trên toàn quốc.

Ông Hà Anh Tuấn, CEO Senziny Việt Nam - công ty đưa ra sản phẩm sen vòi đèn LED đổi màu chính thống đầu tiên tại Việt Nam cho biết, doanh thu bán hàng online, trong đó có fanpage hiện chiếm 60-75% doanh số của doanh nghiệp. Trong khi đó, đầu tư cho online, theo ông Tuấn có thể tốn thời gian, công sức và chi phí nhất định ban đầu, song khi đã vận hành ổn định, chỉ chiếm 10-15% khoản chi thường xuyên và thấp hơn nhiều so với chi phí bán hàng trực tiếp (mặt bằng, nhân viên, điện, nước…). “Qua kênh online, Senziny đã nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi trên toàn quốc, riêng tại TP HCM chiếm 45-47% doanh số online. Trong đó, fanpage giúp chúng tôi kết nối với không ít khách hàng từ một số nước châu Âu, Mỹ, thậm chí từ cả Pakistan”, ông Tuấn chia sẻ.

Cơ hội người người làm doanh nhân

“Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung giúp cho người dùng internet dễ dàng kết nối, chia sẻ, không chỉ những câu chuyện đời sống, xã hội mà còn rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, kinh doanh”, nhà báo Trần Thu Hoài, phóng viên, biên tập viên một trang điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng nhận xét. Sau gần chục năm làm báo, gắn bó ở mảng nông nghiệp, chị Hoài cho biết tìm được nhiều đầu mối cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đảm bảo an toàn và chọn phân phối một số sản phẩm như: Sầu riêng, bưởi da xanh, nho Nam Phi… Chưa lập fanpage mà chỉ thông qua tài khoản Facebook cá nhân, chị Hoài giới thiệu sản phẩm, nhận đặt, giao hàng cho khách và bước đầu nhận được phản hồi tích cực.

“Chỉ cần vào Facebook, bạn có thể có mọi thứ mình cần, từ thông tin đến hầu hết sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không giới hạn như mua bán nhà cửa hay cây kim, sợi chỉ. Có thể nói, Facebook giúp cho người người có cơ hội kinh doanh mà không cần phải thuê mặt bằng hay mua tên miền như lập website và cũng giúp cho cả nhà nhà mua sắm, tiêu dùng với chỉ một cú click chuột”, Trần Nam Thắng, nhân viên ngân hàng Đông Á, một người dùng Facebook thường xuyên nói. Thực tế cho thấy, chỉ riêng trong giới báo chí, có hàng trăm nhà báo thông qua tài khoản cá nhân trực tiếp bán hàng từ thời trang, mỹ phẩm đến thực phẩm như thịt lợn, gà, dưa cà, mắm muối…

Không chỉ qua fanpage chính thức, các doanh nghiệp không bỏ lỡ mọi cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các facebooker (người dùng facebook) nổi tiếng thông qua lượng bạn bè, người theo dõi cũng như lượt like những thông tin người đó đăng tải. Chị Trần Linh Thu, tên tài khoản Facebook Muathu, cho biết, chị nhận được đề nghị hợp tác từ một công ty truyền thông đăng tải các thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ theo yêu cầu. Theo đó, với mỗi thông tin giới thiệu (kèm ảnh) về sản phẩm, dịch vụ chị đăng tải trên trang cá nhân thu hút được từ 200 lượt like (thích) vào 50 comment (lời bình luận) trở lên, chị sẽ được chi trả 2 triệu đồng. Và khoản thu nhập sẽ nhân lên nhiều lần tương ứng với số lượng like, comment, nhất là của những nhân vật nổi tiếng.

Đó là lý do giải thích vì sao trang cá nhân của một số người dùng nổi tiếng thi thoảng lại xuất hiện thông tin sản phẩm, dịch vụ rất không liên quan! Đơn cử trong giới báo chí, facebooker Ta Kim Anh - người có hơn 80 nghìn lượt theo dõi và hàng nghìn lượt like cho mỗi thông tin đăng tải, bên cạnh những câu chuyện hậu trường showbiz rất hấp dẫn, thi thoảng lại thấy cô khi thì khen trang phục của shop thời trang A, hay mỹ phẩm của hãng B nào đó. Tương tự, facebooker Tri Minh Hoang - cây viết có những góc nhìn sâu sắc mà hóm hỉnh trước nhiều sắc thái của cuộc sống thường xuyên được lồng ghép khéo léo địa chỉ một kênh bán hàng trực tuyến…

Online thu hẹp offline

Gắn liền với xu hướng kinh doanh này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng cung cấp dịch vụ tạo lập, quản lý fanpage với nhiều mức chi phí khác nhau. Như Công ty CP Thương mại công nghệ thông tin di dộng, chi phí quản lý một fanpage được chào trung bình 3 triệu đồng/tháng và 1.500 đồng cho mỗi lượt like. Trong khi đó cũng không ít tổ chức, cá nhân chào mức chi phí chỉ khoảng 100-300 đồng/lượt like và chi phí quản lý từ 300 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng…

“Kinh doanh online là xu hướng kinh doanh tất yếu của thị trường. Chúng tôi đang tính toán để sắp tới thu hẹp dần phương thức kinh doanh “offline”, nghĩa là giảm bớt một số showroom kém hiệu quả hiện nay”, bà Dương Thu Hương cho biết. Tuy nhiên, để phát triển kênh bán hàng online, theo bà Hương, công ty phải tiếp tục đầu tư, triển khai các công cụ đi kèm như website, hệ thống thanh toán, đội ngũ vận chuyển hàng, chính sách đổi trả. “Mặc dù giúp tiết kiệm một số chi phí như thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, song kênh bán hàng online cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư bài bản và mức độ đầu tư phụ thuộc vào chiến lược cũng như năng lực tài chính của doanh nghiệp”, bà Hương nói.

Chung quan điểm đẩy mạnh kinh doanh online, CEO Hà Anh Tuấn, nhấn mạnh, fanpage hay các trang cá nhân cũng chỉ là một công cụ để thu hút khách hàng bước đầu, từ đó dẫn dắt vào trang web - nơi giới thiệu chi tiết về sản phẩm, dịch vụ cũng như cung cấp các dịch vụ thanh toán, giúp hoàn tất quá trình giao dịch trực tuyến. Do vậy, một fanpage có đông người dùng “like” chưa chắc đã kinh doanh hiệu quả nếu không đi kèm với các yếu tố như độ tuổi, độ tương tác, mối quan tâm, khả năng khai thác… của doanh nghiệp.

Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp về thực phẩm chia sẻ, sau khi hợp tác với nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ fanpage cũng như kinh doanh online, công ty đã quyết định tự vận hành. Bởi thực tế, những đối tác này có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật “câu like”, song lại yếu về kỹ năng marketing, bán hàng, đặc biệt là về sản phẩm, dịch vụ muốn bán. “Do vậy, trước khi hợp tác với các đối tác kinh doanh online, cần phải tìm hiểu kỹ càng về năng lực, đồng thời ràng buộc những điều kiện cụ thể, về chiến lược, lộ trình, hiệu quả cụ thể gắn với chi phí thực tế”, ông này khuyến nghị. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.