Ông Võ Kim Cự xin thôi ĐBQH vì lý do sức khoẻ |
Chiều 19/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức buổi họp báo về chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Trả lời về đơn xin thôi ĐBQH của ông Võ Kim Cự vì lý do sức khỏe, cần rút kinh nghiệm gì về công tác kiểm tra và bảo vệ sức khỏe đối với ĐBQH trước khi ứng cử? Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi có kết luận của Ban Bí thư đối với ông Võ Kim Cự, ông Cự đã có đơn xin thôi ĐBQH vì lý do sức khỏe. Căn cứ vào điểm 2 điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội nên UBTVQH xem xét và đồng ý cho thôi.
“Con người nay khỏe, mai yếu biết sao được. Trước không sao nhưng giờ phát hiện sức khỏe yếu, họ có đơn xin thôi, không nhất thiết phải có văn bản nào cả. Xét đơn của đại biểu, Uỷ ban TVQH thống nhất cho nghỉ" - ông Phúc giải thích.
Nói rõ hơn về trường hợp này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần đánh giá lại thời gian trước, khi ông Võ Kim Cự giữ các chức vụ Phó chủ tịch, Chủ tịch rồi Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh. Thời gian đó, việc kêu gọi được một dự án lớn như Formosa đầu tư vào địa phương là rất đáng kể.
Đến tháng 4/2016, tình trạng cá chết xảy ra. Lúc đó chúng ta đang chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và ông Võ Kim Cự ứng cử tại Hà Tĩnh với tư cách Chủ tịch Liên minh HXT. Sau khi bầu cử xong thì mới xác định nguyên nhân cá chết là do Formosa.
Gần đây, các cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của ông Cự với dự án Formosa và tiến hành kỷ luật. Không phải là chúng ta biết ông Cự có khuyết điểm rồi mà vẫn để ông ấy ứng cử.
"Vừa qua thấy bị kỷ luật, cộng với suy nghĩ suy sụp, sức khoẻ cũng yếu đi, tự thấy không hoàn thành nhiệm vụ nên ông Cự xin thôi ĐBQH" - ông Phúc lý giải.
Thông tin tới các cơ quan báo chí dự họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
Ông Lĩnh cũng thông tin Quốc hội dành khoảng 6,5 ngày để xem xét, quyết định về các báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận