Sự xuất hiện của cố Công nương Diana và Meghan Markle trong hai cuộc phỏng vấn gây chấn động nước Anh, có đôi nét tương đồng
Hình ảnh nữ diễn viên người Mỹ Meghan Markle ngồi chia sẻ những chi tiết gây chấn động trong cuộc sống Hoàng gia Anh, được nhiều người liên tưởng tới hình ảnh cố Công nương Diana trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 nhưng mức độ nghiêm trọng lại cao hơn rất nhiều.
Lịch sử lặp lại
Cách đây ba năm, khi Meghan Markle lên xe hoa với Hoàng tử Harry (con trai thứ hai của Công nương Diana và Thái tử Charles), câu chuyện của cô được ví như cổ tích khi một diễn viên người Mỹ mang một nửa dòng máu gốc Phi, đã qua 1 đời chồng, với tâm hồn tự do, đấu tranh cho nữ quyền được Hoàng gia Anh mở rộng cửa đón chào.
Nhưng nay, theo những tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Oprah Winfrey, chính những sự khác biệt này là tác nhân khiến Markle cùng chồng phải rời khỏi Cung điện Buckingham, từ bỏ mọi tước vị Hoàng gia.
Cuộc trò chuyện của Meghan Markle cùng Hoàng tử Anh Harry với người dẫn Oprah được phát sóng tại Anh ngày 8/3. Cựu nữ diễn viên người Mỹ Meghan mặc bộ váy đen chia sẻ về cuộc sống tại Hoàng gia, lý do vì sao họ lại ra đi và từ bỏ mọi địa vị.
Với cố Công nương Diana, cách đây 26 năm, bà cũng mặc một bộ vest đen, ngồi tại Cung điện Kensington để thực hiện cuộc phỏng vấn với nhà báo Martin Bashir. Khi ấy, bà Diana chính thức công khai Thái tử Charles ngoại tình.
Trong quá trình chia sẻ, cả hai người phụ nữ đều tiết lộ về những cuộc đấu tranh tâm lý khi sống trong Hoàng gia. Trong đó, Meghan luôn cảm thấy cô đơn, lẻ loi và thậm chí còn nghĩ đến chuyện tự sát.
Còn nhớ hơn 2 thập kỷ trước, cố Công nương Anh chia sẻ đã phải chịu áp lực tâm lý đến mức mắc chứng cuồng ăn, trầm cảm trong cuộc hôn nhân Hoàng gia. Cả hai người phụ nữ này đều khẩn thiết tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình nhưng không nhận lại được hồi đáp tương ứng.
Có điều, lần này Meghan có chồng ngồi cạnh, nắm tay và bảo vệ. Chính Harry là người liên tưởng những gì Meghan đang phải nếm trải khi bị truyền thông công kích, Hoàng gia phân biệt đối xử không công bằng, giống như cảm giác mà mẹ anh từng trải qua cách đây hàng chục năm.
“Tôi cảm nhận như hình ảnh của mẹ hiện diện trong suốt buổi phỏng vấn này... Những gì tôi chứng kiến như thể lịch sử đang lặp lại...”, Hoàng tử Harry nói. Thậm chí, anh nhấn mạnh sự khắc nghiệt mà Meghan đang phải trải qua còn nguy hiểm hơn khi thời đại này mạng xã hội phát triển chóng mặt kết hợp với yếu tố phân biệt chủng tộc.
“Cú giáng” với hình ảnh Hoàng gia Anh
Điểm khác biệt lớn nhất trong hai cuộc phỏng vấn và giữa hai người phụ nữ đó là mức độ nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hình ảnh Hoàng gia Anh.
Những chia sẻ của Meghan ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều vì đó không phải nỗi đau của một người vợ bị chồng phản bội như Công nương Diana mà chủ yếu là thực trạng sự phân biệt chủng tộc trong Hoàng gia Anh.
Chưa kể, lời tố cáo của Meghan sẽ là “cú giáng” phá vỡ hình ảnh của Hoàng gia Anh. Cô cho biết, khi con trai Archie ra đời, đã có nhiều người trong Hoàng tộc tỏ ý thắc mắc về màu da và nghi ngại “màu da tối” sẽ không thể đại diện cho Hoàng tộc.
Đây là lời tố cáo có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới Cung điện Buckingham. Bởi, phân biệt sắc tộc cũng là vấn đề rất nhức nhối tại Anh. Năm ngoái, vì sự kiện người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát da trắng dùng bạo lực đến chết ở thành phố Minneapolis (Mỹ), Thủ đô London đã rộ lên nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đòi “quyền sống cho người da màu” (Black Lives Matter).
Thời điểm đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban liên bộ nhằm đánh giá tình trạng phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng mà các nhóm sắc tộc thiểu số phải hứng chịu.
Trong sự việc lần này, hai ngày sau cuộc phỏng vấn, Hoàng gia Anh chưa lên tiếng. Theo chuyên gia lịch sử và Hoàng gia Anh Andrew Roberts, bình luận của Harry và Meghan có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới gia đình Hoàng gia và quyền lực mềm của Anh ở nước ngoài.
Một số chuyên gia như bà Sarah Richardson, Giáo sư lịch sử hiện đại Anh, từ Đại học Warwich cho rằng, những chia sẻ của hai vợ chồng Harry - Meghan làm giảm mức độ ủng hộ của người dân với gia đình Hoàng gia.
“Tôi chắc chắn mức độ ủng hộ của người dân với các thành viên trong gia đình Hoàng gia hoặc một số yếu tố trong thể chế sẽ suy giảm nhưng chắc chắn sẽ không nảy sinh hoài nghi về chế độ quân chủ”, bà Sarah nói.
Nữ Hoàng Elizabeth là nguyên thủ quốc gia Anh, người có uy tín cao nhất trong Hoàng gia. Dù chỉ trích một số thành viên nhưng cặp đôi Meghan luôn dành sự kính trọng cao nhất với Nữ hoàng.
Giám đốc điều hành tổ chức cố vấn về bình đẳng giới Runnymede Trust - ông Halima Begum nhận định: “Vương quốc Anh đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề chủng tộc nhưng rõ ràng, câu chuyện này một lần nữa đã dấy lên những vấn đề cần phải giải quyết triệt để. Nếu sự phân biệt chủng tộc có thể xảy ra đằng sau bức tường và ranh giới của Cung điện Hoàng gia, nó nhắc nhớ chúng ta rằng vấn đề này vẫn đang lan tràn trong xã hội”.
Dù đều ra khỏi Hoàng gia Anh và có cá tính riêng trong cách sống nhưng Công nương Diana vẫn làm tròn trách nhiệm của một người đại diện Hoàng tộc, trở thành một người được công chúng ngưỡng mộ với những hoạt động thiện nguyện...
Trong khi đó, Meghan cùng Hoàng tử Harry tuyên bố rời Cung điện Buckingham, từ bỏ danh hiệu Công tước và nữ Công tước xứ Sussex, không còn là thành viên Hoàng gia từ tháng 1/2020 và xây dựng cuộc sống mới tại Bắc Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận