Thế giới

Bí mật “đội quân ảo” Trung Quốc chống biểu tình ở Hong Kong

13/09/2019, 07:13

Một đội quân ảo đã phát động một cuộc tấn công kiểu “Vạn lý trường thành trên mạng” phản đối ngược các cuộc biểu tình tại Hong Kong.

img
Hình ảnh minh họa đội quân ảo của Trung Quốc (Theo SCMP)

Vào một trong những ngày Hong Kong đối mặt tình trạng bạo lực nặng nề nhất kể từ khi cuộc biểu tình rộ lên đến nay, một đội quân ảo đã tự phát động một cuộc tấn công kiểu “Vạn lý trường thành trên mạng” của Trung Quốc để thể hiện tình yêu nước, phản đối ngược các cuộc biểu tình tại đặc khu hành chính. Hàng nghìn tin nhắn và hình ảnh chế (memes) được đăng tải đồng loạt trên các nền tảng truyền thông xã hội vốn bị Chính phủ đại lục chặn, tất cả với mục đích duy nhất đó là phản đối ngược những người biểu tình tại Hong Kong.

Nhiều cách thức tấn công

Hành động này được thông báo trực tiếp trên nền tảng streaming của Trung Quốc - YY với cặn kẽ các chi tiết từ quá trình vượt qua tường lửa đến cập nhật thường xuyên bao nhiêu bài đăng đã bị xóa trên các trang bị cấm; đồng thời đội quân ảo này ra sức kêu gọi lực lượng của họ tiếp tục gia tăng các hoạt động tấn công mạng.

Đây là hoạt động biểu dương lực lượng của trào lưu mới trong cộng đồng internet Trung Quốc, đặc biệt nó là sự kết hợp giữa Diba, diễn đàn chủ nghĩa dân tộc trực tuyến lâu đời với những thành viên từng đi tiên phong trong các cuộc tấn công mạng cùng những tân binh mới nhất, được biết đến với biệt danh “fandom girls” (những fan hâm mộ nữ).

Diba từng được nhắc đến nhiều qua các cuộc tấn công mạng xã hội vì lòng yêu nước theo đúng những gì chính quyền Bắc Kinh mong muốn. 2004 là năm đầu tiên Diba bắt đầu được công bố, hoạt động như một diễn đàn bàn luận về bóng đá, sau đó dần được biết đến qua những nhiệm vụ đấu tranh theo hơi hướng chủ nghĩa dân tộc được tổ chức chặt chẽ.

Đội quân của Diba chia thành nhiều nhóm và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Một số thành viên của nhóm này đã dịch thơ và các câu châm ngôn ủng hộ Trung Quốc thành nhiều thứ tiếng khác nhau hoặc tạo ra những hình ảnh châm biếm (có thể ví đây như một loại đạn dược trong cuộc chiến ảo); một số khác thuộc cấp quản lý, chỉ đạo hoạt động từ cơ quan đầu não, gửi link và dữ liệu mới cho đội quân phía dưới sao chép, dán và thả thư rác để tấn công các mục tiêu phản đối Trung Quốc.

Trong sự kiện Hong Kong lần này, ngoài Diba, sự hiện diện của những cô gái trong các fan hâm mộ nữ là dấu hiệu cho thấy những “quân đội ảo” của Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Bởi trong quá khứ, có thông tin cho rằng, Chính phủ Trung Quốc phải chi tiền cho một số người chuyên thống kê và giám sát ý kiến dư luận.

Hiện nay, phần lớn những tân binh trong đội quân ảo của Trung Quốc đều là những người trẻ, đam mê, yêu nước, có tiếng nói và làm việc hoàn toàn tự nguyện, không phải vì tiền lương. Đặc biệt, họ là những người trước nay luôn tránh xa các vấn đề chính trị như những cô gái trong fandom.

Ngoài ra, đội quân liên minh ảo phản đối Hong Kong lần này còn có sự tham gia của một số rapper, các du học sinh trực tiếp xuống đường làm gián đoạn các cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Hong Kong trên khắp thế giới. Tại Canada, một nhóm người Trung Quốc yêu nước tổ chức biểu tình theo một cách rất “sang chảnh” đó là trên những chiếc xe Ferraris cùng một số loại xe thể thao cao cấp khác có treo quốc kỳ Trung Hoa.

img
Người biểu tình Hong Kong đụng độ với cảnh sát

Vẫn hoài nghi về tính hiệu quả

Wang, thành viên trong một nhóm fandom nữ cho biết: Cô tham gia bảo vệ đất nước đúng như cách cô bảo vệ các thần tượng nổi tiếng mà mình yêu thích. Cô liên tục đăng tải những thông tin ủng hộ Trung Quốc lên mạng theo nhiều cách khác nhau như làm chìm những hashtag trên mạng xã hội (như #Hong Kong) đi kèm những thông tin xấu liên quan đến Trung Quốc bằng cách đẩy thật nhiều thông tin tuyên truyền tích cực về đại lục để phủ lên những thông tin tiêu cực kia.

Những hoạt động tấn công ảo nhằm vào phong trào biểu tình Hong Kong lần này nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ Chính phủ Trung Quốc trong khi các hoạt động trước đó không tạo được sự chú ý từ truyền thông Nhà nước. Một quan chức giám sát mạng xã hội đại lục, giấu tên, đã ca ngợi Diba như một nhóm người trẻ yêu nước.

Song, tờ Bưu điện Hoa Nam dẫn lời nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi rằng liệu hoạt động của các đội quân ảo này có làm thay đổi suy nghĩ hoặc ít nhất có thể giao tiếp một cách hiệu quả với thế giới bên ngoài Trung Quốc hay không?

Đến thời điểm này, biểu tình tại Hong Kong kéo dài ròng rã từ tháng 6 đến nay phần nào lắng dịu đôi chút do Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) rút lại dự luật dẫn độ, đáp ứng 1 trong 5 yêu cầu của cuộc biểu tình kéo dài mấy tháng qua ở thành phố.

Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hong Kong đến xét xử tại Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tại Hong Kong vẫn chưa dứt hẳn bởi ngoài yêu cầu rút hoàn toàn dự luật, người biểu tình còn yêu cầu điều tra cảnh sát và tha bổng những người đã bị bắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.