Để bắn cung tốt, Lộc Thị Đào cần một đôi tay khỏe |
Từ cô sơn nữ tới tay cung vàng
Cung thủ Lộc Thị Đào (SN 1993) mới đây đã cùng đồng đội Nguyễn Tiến Cương làm nên lịch sử cho bắn cung Việt Nam khi giành tấm HCĐ quý giá ở Giải Vô địch Bắn cung châu Á. Trước đó, đầu năm 2017, cô gái quê Bắc Giang cũng trở thành tay cung đầu đem về HCV ở Cup Bắn cung châu Á. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cô gái nhỏ nhắn làm rạng danh bắn cung Việt Nam ở đấu trường châu lục lại trải qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực.
Đào sinh ra ở huyện miền núi nghèo Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Từ khi còn nhỏ, Đào đã phải theo cha mẹ vào rừng, dùng đôi tay non nớt đốn củi, đào măng làm thức ăn và bán lấy tiền trang trải cuộc sống. “So với các bạn bè cùng trang lứa, em tự cảm thấy mình vất vả hơn. Bắt đầu từ năm lớp hai, em đã phải theo cha mẹ vào rừng, có lần leo núi mất cả tiếng đồng hồ, trầy hết cả da, tay chân mỏi nhừ”, cô gái vàng của bắn cung Việt Nam chia sẻ. Lớn hơn một chút, Đào lại phụ cha mẹ phát rẫy, làm nương, bắt cá suối. Có lẽ vì phải lao động sớm nên đôi tay của em to hơn bình thường và khá thô ráp.
Nhưng cũng nhờ đôi bàn tay khỏe khoắn, thô ráp đó mà Đào đã đổi đời. Sau lần cùng đội bóng của trường vô địch bóng chuyền Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bắc Giang, Đào được các tuyển trạch viên của ngành Thể thao Hà Nội “chấm”. Thay vì tiếp tục theo bóng chuyền, cô gái quê Sơn Động lại chọn bắn cung, dù chưa biết chút gì về môn thể thao lạ lẫm này. Tuy vậy, nhờ những tố chất thiên bẩm, đặc biệt là đôi tay to bản, chắc, khỏe, Đào dễ dàng thích nghi và trở thành một ngôi sao sáng trong làng bắn cung Việt Nam. Tiền thưởng từ những tấm huy chương, Đào chỉ giữ lại chút ít để sinh hoạt tại Hà Nội, còn lại em đều gửi về cho mẹ, cuộc sống gia đình nữ tuyển thủ bắn cung từ đó bớt chật vật hơn.
Đương nhiên, để thành tài, Lộc Thị Đào cũng như nhiều VĐV đỉnh cao khác phải luyện tập cực khổ. Mỗi ngày, Đào và các đồng đội ở đội bắn cung phải tập từ 7h40 - 11h15 sáng và từ 13h40 - 17h15 chiều. Ngoài tập với cung, Đào còn phải “nuốt” giáo án để tăng cơ vai, cơ tay với những bài tập như chống đẩy, chống tay, cử tạ. “Cây cung khá nặng nên đòi hỏi VĐV phải có tay khỏe mới nâng và giương mà không bị rung. Nếu để rung thì không thể bắn”, Đào phân tích.
Giỏi nữ công gia chánh
Gắn bó với nghiệp cung tên, đôi bàn tay vốn thô ráp của Đào lại càng chai sạn. Đào kể, bạn bè khi cầm tay em đều nói sao tay to thế, cứng thế. Cũng may, cô gái sinh năm 1993 không vì thế mà chạnh lòng, thậm chí còn cảm thấy may mắn. “Bàn tay em dài giống mẹ, dày giống cha. Không biết có phải vì vậy mà em được thừa hưởng cả sự chịu thương chịu khó của mẹ và sự lạc quan của cha. Em quan niệm, trong bất cứ việc gì, cứ phải nỗ lực hết mình và suy nghĩ tích cực. Đó là điều cha luôn dạy em. Khi đã lao động bằng tất cả khả năng, dù đạt được mục tiêu hay không, em cũng không hối hận”.
Cứng rắn, mạnh mẽ trên trường bắn nhưng cũng với chính đôi bàn tay ấy, Lộc Thị Đào lại thể hiện hình ảnh trái ngược trong cuộc sống đời thường khi rất giỏi nữ công gia chánh. “Bạn bè em thường bảo, tay kia thì chắc chẳng làm được gì. Nhưng em có thể làm mọi thứ mà một cô gái cần biết làm”, Đào hào hứng chia sẻ.
Đào tiết lộ có thể nấu ngon nhiều món ăn. Ngoài ra, Đào cũng cắm hoa, may vá quần áo rất cừ. “Em tập luyện ở trung tâm nên ăn uống tập trung theo giờ nên không phải lo nấu nướng. Nhưng có dịp về nhà, em đều vào bếp nấu những món ăn gia đình yêu thích. Chuyện may vá với em cũng đơn giản vì xa gia đình nên phải tự lo cho bản thân. Còn việc cắm hoa, VĐV bọn em ở chung với nhau toàn nữ nên đôi lúc cũng lãng mạn, điệu đà chút xíu”.
Tuy vậy, Đào cho biết thêm, vì đôi tay rất quan trọng với VĐV bắn cung nên khi cầm tới dao kéo để làm bất cứ việc gì em đều phải cẩn thận tối đa. “Chỉ cần một vết đứt tay sẽ giương cung rất khó nên từ khi theo nghiệp bắn cung em phải chú ý nhiều hơn tới an toàn của tay, tránh để bị thương”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận