Hơn 40 năm kể từ lúc ra mắt (1976), bộ phim Sao Tháng 8 của cố đạo diễn - NSND Trần Đắc vẫn giữ kỷ lục là bộ phim duy nhất đến thời điểm hiện tại tái hiện không khí sục sôi của người dân Việt Nam trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), để lại dấu ấn khó phai mờ trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Hiện tượng Sao Tháng 8 và những hồi ức
Với độ dài 2 tập, dù chỉ lấy bối cảnh diễn ra ở khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội nhưng Sao Tháng 8 đã mang tới cái nhìn bao quát về một giai đoạn trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào năm Ất Dậu (1945), đầy bi thương nhưng rất đỗi hào hùng. Đó là năm nạn đói kỷ lục hoành hành khắp nơi với hàng nghìn người chết, cùng cuộc khởi nghĩa của người dân để giành chính quyền. Bộ phim được quay trong năm 1974 - 1975 , (năm 1976 chính thức công chiếu ) thời kỳ nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam non trẻ đang được xây dựng, vẫn trong giai đoạn đói kém nên bối cảnh trên phim khá chân thực. Ở đó, xuất hiện những mái nhà tranh vách đất liêu xiêu, những chiếc nón mê rách tả tơi và cả những phiên chợ lợp mái rạ đầy người ăn xin gầy còm lê lết khắp nơi, những tiếng rên, tiếng khóc ai oán, những xác người chết đói nằm ven đường được thu gom để đem đi chôn…
Năm 1975, đất nước thống nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn xây dựng với bao gian nan, nghèo khó. Đó cũng là khi bộ phim Sao Tháng 8 đang trong thời gian phôi thai ra đời, cho mỗi người nhìn lại về một giai đoạn khó khăn của dân tộc. Nội dung phim xoay quanh các chiến sĩ cách mạng, xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau nhưng ai cũng có chung lòng yêu nước. Họ phải vượt qua những gian nguy để vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Nhân vật chính là chị Nhu (diễn viên Thanh Tú) - người phụ nữ thôn quê được giác ngộ cách mạng, trở thành cán bộ của Mặt trận Việt Minh, là Kiên (diễn viên Dũng Nhi) - thanh niên trí thức yêu nước được giác ngộ cách mạng, là Kiều Trinh (cố nghệ sĩ Đức Hoàn) - gián điệp của phát xít Nhật…
Bộ phim chính thức công chiếu năm 1976 sau 2 năm thực hiện, trở thành phim chiếu rạp đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Ngay khi ra mắt, Sao Tháng 8 đã trở thành hiện tượng lúc bấy giờ. Phim liên tục “cháy vé” ngoài rạp chiếu và xuất sắc giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977. Cũng tại Liên hoan này, nữ diễn viên Thanh Tú (vai chính của phim) cũng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Ngoài ra, Thanh Tú còn được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết tặng giải đặc biệt tại Liên hoan phim Matxcơva năm 1977. Hơn 40 năm đã trôi qua, những người làm phim thời ấy có người đã về cõi thiên cổ, những người khác tứ tán khắp nơi từ Hà Nội, Nha Trang, TP HCM... nhưng ký ức về những năm tháng làm Sao Tháng 8 trong họ vẫn vẹn nguyên.
Ở tuổi 74, nghệ sĩ Thanh Tú vẫn nhớ như in những kỷ niệm khó quên những ngày cùng đoàn phim vất vả lăn lộn dưới thời tiết khắc nghiệt tại Hà Nội. Năm đó, Thanh Tú đang là ngôi sao của sân khấu kịch nên khi bà được NSND Trần Đắc chọn vào vai nữ chính trong phim, nhiều người đã ngăn cản vì cho rằng gương mặt của bà quá hiện đại, không phù hợp với nhân vật người phụ nữ nông thôn làm cách mạng. Thế nhưng, Thanh Tú đã chứng minh những nhận định ấy là sai khi bà hóa thân xuất sắc vào một người phụ nữ phải giả làm nhiều thân phận như nông dân, công nhân, tiểu thư, nhà sư… để hoạt động cách mạng.
“Thực tế để làm được điều ấy, tôi đã phải về nông thôn học việc như một cô gái quê, hay lên chùa Bà Đá (Hà Nội) nghe giảng pháp, học cách tụng kinh”, nghệ sĩ Thanh Tú tiết lộ. Dẫu vậy, Thanh Tú thừa nhận, đã có lúc bà òa khóc vì có cảnh quay mãi mà đôi tay vẫn không ra nổi một cô gái nhà nông thuần thục. Cũng vì khi ấy đang là diễn viên sân khấu nên Thanh Tú liên tục chạy sô. “Ngày đi đóng phim, tối đi diễn kịch, có những ngày tôi quên cả ăn. Mệt mỏi, kiệt sức khiến khi kết thúc những cảnh quay cuối cùng của phim, tôi đã phải đi cấp cứu”, bà tâm sự.
Cũng như Thanh Tú, đã gần nửa thế kỷ đi qua nhưng nghệ sĩ Dũng Nhi vẫn không thể quên những tháng ngày vừa đi dạy học, vừa quay Sao Tháng 8. Năm ấy, Dũng Nhi đang là giáo viên. Có những buổi quay phim cả ngày, ông phải xin đổi ca cho đồng nghiệp, đến mức đồng nghiệp nửa đùa nửa thật rằng quá vất vả khi cứ phải làm thay ông. Dũng Nhi nhớ lại, đóng phim khi đó còn vất vả hơn dạy học, trong khi cát-sê lại thấp. “Đóng phim gần 1 năm, tôi được trả khoảng hơn 140 đồng, chỉ bằng 2 tháng lương dạy học”, ông nói.
Cũng bởi là diễn viên tay ngang nên khi diễn xuất ông phải phân tích nhân vật rất kỹ ngày đêm, làm việc với đạo diễn để có thể hóa thân trọn vẹn vào vai Kiên. Ông thừa nhận, vai thanh niên trí thức Kiên không có quá nhiều khác biệt với ông bên ngoài nên màn hóa thân cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt, mẹ của nam nghệ sĩ ngoài đời cũng đóng vai mẹ của nhân vật Kiên trên phim nên về nhà, ông thường được mẹ chỉ bảo nhiều trong kịch bản và diễn xuất.
Huy động ăn mày khắp Hà Nội để làm diễn viên
Bộ phim được quay trong bối cảnh năm 1974-1976, tình hình đất nước đang có biến động về chính trị nên ê-kíp làm phim cũng lắm gian nan.
Nghệ sĩ bồi hồi kể, thời kỳ ấy, kinh tế của đất nước còn khó khăn nên dụng cụ, máy móc quay phim cũng thô sơ và được quay bằng máy film. Theo quy định của Nhà nước, diễn viên chỉ được 2,5 lần quay film. Tiết kiệm được mét phim nào là tiết kiệm được tiền nên hầu hết các diễn viên đều phải cố gắng để cảnh quay chỉ quay 1 lần.
Chưa nói đến thiết bị quay được nhập đồ cũ từ Nga và Đức nên độ nhạy sáng của phim thấp, buộc đoàn làm phim phải quay vào những ngày nắng to và gắt. Thậm chí, nhiều cảnh trên phim diễn ra trong đêm trăng nhưng thực tế lại được quay vào ban ngày dưới ánh nắng mặt trời chói lọi.
“Vất vả làm phim mà ăn uống cũng chẳng khá hơn. Phim được quay ở Hà Nội nên giờ giải lao, ai lại về nhà nấy ăn vội vàng để kịp ra quay tiếp. Những thành viên ở tỉnh khác thì đóng tem phiếu, nộp tiền ăn để thuê một tổ cấp dưỡng đi theo đoàn. Khổ ải là vậy nhưng khi ấy, ai ai cũng hết mình cho công việc. Chẳng phải nghệ sĩ mà nhân dân sống cũng rất khổ, nhưng có lẽ vì cái khổ ấy mà mọi người đều toàn tâm toàn ý dốc sức làm việc”, nghệ sĩ Dũng Nhi tâm sự.
Khó ai có thể quên một cảnh quay ấn tượng của Sao Tháng 8 là cảnh những người đói ăn gầy trơ xương, lởn vởn như những bóng ma đi xin ăn khắp hang cùng ngõ hẻm, lảng vảng ở khu chợ nghèo dưới gốc đa. Ít ai biết, những nhân vật ăn mày ấy được thể hiện bởi chính những người… ăn mày thật bên ngoài. Nhớ lại về kỷ niệm ấy, “anh Kiên” Dũng Nhi tiết lộ, để có được những cảnh quay chân thực nhất nhằm tái hiện nạn đói năm Ất Dậu, tổ đạo diễn đã đi huy động được khoảng 20 người ăn mày ở khắp Hà Nội để làm diễn viên. Sau đó, mỗi người được đoàn phim trả 5 đồng. Đặc biệt, trong phim có một ông cụ gầy trơ xương ở khu gần chợ Bưởi được mời vào diễn. Nhưng khi phim được công chiếu, con cháu của ông đã đề nghị đoàn phim cắt cảnh đó vì nhìn thấy bố tội nghiệp quá.
Ông cũng bật mí, một phân cảnh khác gây ấn tượng không kém là đại cảnh người dân vùng lên giành chính quyền. Tất cả chạy xô ra đường tạo nên một khí thế sục sôi. Để thực hiện được cảnh quay ấy, ê-kíp làm phim đã phải xin chính quyền thành phố cho huy động hàng nghìn người từ các cơ quan nhà nước, các giáo viên, sinh viên, các anh em văn nghệ sĩ. Trong số diễn viên quần chúng ấy, có cả những đồng nghiệp là giáo viên của Dũng Nhi thực tế đòi tới phim trường để xem… thầy giáo Nhi đóng phim như thế nào, rồi trở thành diễn viên quần chúng luôn cho đoàn phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận