Khám phá

Bí mật Hoàng thành Thăng Long giờ mới kể

02/12/2018, 06:12

Toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long hiện nay có tổng diện tích 18,3ha, với 5 điểm di tích trên mặt đất...

22

Hoành thành Thăng Long là một điểm đến mà bất cứ du khách nào cũng mong ghé thăm mỗi khi có dịp tới Hà Nội (Trong ảnh: Cổng Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long)

Sau gần 15 năm được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, đến nay, Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ mà bất cứ du khách trong và ngoài nước nào cũng mong muốn một lần ghé thăm mỗi khi có dịp tới Hà Nội. Đây cũng là điểm đến của kiều bào mỗi dịp Tết đến, xuân về trong chương trình Xuân quê hương, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn...

Mở cửa sau nhiều năm “kín cổng cao tường”

Được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt (sau vua Lý Thánh Tông đổi tên thành Đại Việt), thành Thăng Long đã đóng vai trò kinh đô của nước Việt Nam qua các triều Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, rồi Lê Trung hưng, kéo dài khoảng 750 năm.

Theo các tài liệu lịch sử, kinh thành Thăng Long được xây dựng với ba vòng thành: Vòng ngoài cùng là La thành, là vòng thành nằm theo các con đường Đại Cồ Việt, Đê La Thành, Bưởi... hiện nay. Vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này là nơi dân cư sinh sống, buôn bán. Lớp thành trong cùng là Cấm thành, nơi sinh sống và làm việc của nhà vua cùng hoàng tộc.

Lớp tường Hoàng thành đắp bằng đất, phía ngoài có hào, có 4 cửa mở ra 4 hướng. Tử cấm thành từ thời Lê hiện không còn dấu vết, chỉ có vòng thành trong cùng được xây lại thời nhà Nguyễn, theo lệnh vua Gia Long. Giới hạn tường thành tương ứng với 4 con phố hiện nay là: Phố Phan Đình Phùng ở phía Bắc, phố Lý Nam Đế ở phía Đông, phố Trần Phú ở phía Nam, đường Hùng Vương ở phía Tây. Đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cho phá các tường thành này, chỉ còn lại một số di tích Cửa Bắc, Đoan Môn, Hậu Lâu cùng Cột cờ Hà Nội...

Đối với khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, tính đến tháng 12/2009, trong tổng diện tích khai quật 33.000m2, các nhà khảo cổ học đã bước đầu xác định được 168 di tích, trong đó có 95 dấu tích nền móng kiến trúc, 16 di tích móng tường bao, 24 giếng nước... Tổng số di vật tìm thấy trong khu di tích ước tính khoảng hàng triệu di vật, trong đó chiếm số lượng lớn là vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ và đồ kim loại.

Từ năm 2002-2003, cuộc khai quật khảo cổ học lớn được tiến hành tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá. Giới khoa học trong nước và quốc tế đồng thuận nhất trí đánh giá cao những phát hiện của khảo cổ học về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, coi đây là phát hiện quan trọng có giá trị hàng đầu về lịch sử, văn hoá của dân tộc.

Đến năm 2004, khu vực Thành cổ Hà Nội sau nhiều năm “kín cổng cao tường” đã được Bộ Quốc phòng bàn giao cho TP Hà Nội. Vào tháng 10 năm ấy, Thành cổ Hà Nội lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan đã trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2004. Từ đây, những bí ẩn về trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long với dấu tích còn lại dần được hé mở. Kết quả nghiên cứu bước đầu đã khẳng định những giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khoa học của khu di tích đặc biệt quan trọng này.

Đúng 6h30 sáng 1/8/2010 (giờ Việt Nam), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội trước thềm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội thông tin, toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long hiện nay có tổng diện tích 18,3ha, với 5 điểm di tích trên mặt đất và khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Theo ông Quang, việc tu bổ, bảo quản vẫn được tiến hành nhưng về mặt kiến trúc cũ thì vẫn giữ nguyên. Hiện nay, Hoàng thành Thăng Long mở cửa đón khách từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, từ năm 1999, quân đội đã bàn giao cho Hà Nội 3 khu di tích là Bắc Môn, Hậu Lâu và Đoan Môn. Đến năm 2004, Bộ Quốc phòng tiếp tục bàn giao khu trung tâm, tức là khu nền điện Kính Thiên. “Tuy nhiên, đến nay cũng vẫn chưa thông suốt vì đang bị ngắt quãng từ Hậu Lâu và Bắc Môn, vì khu phía Nam là di tích Cột Cờ và phía Bắc chỗ Nhà khách Bộ Quốc phòng hiện nay vẫn do quân đội quản lý”, bà Yến nói và giải thích, sở dĩ có việc ngắt quãng, chưa thông suốt là do trục chính tâm của Hoàng thành bắt đầu từ Cột Cờ đến Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Môn và Khu di tích khảo cổ học tại 18 phố Hoàng Diệu. 

Bà Yến cho biết, sau lần mở cửa đầu tiên vào tháng 10/2004, Hoàng thành đóng cửa một thời gian và mở cửa vào lễ, Tết, đầu xuân hay có các sự kiện văn hoá. Đến năm 2010, sau một đợt chỉnh trang toàn bộ sân Đoan Môn và tổ chức trưng bày hiện vật, Hoàng thành mới mở cửa đón khách tham quan và đến năm 2013 mới bắt đầu thu phí.

23

Du khách tham quan bên trên cổng Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: Khánh Linh

Di sản quý giá

Theo bà Yến, khu di sản bao gồm di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long đã tạo thành một quần thể thống nhất, là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long từ thế kỷ XI - XVIII. Toàn bộ khu di sản là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành - nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia, gắn với các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và lịch sử thăng trầm của kinh đô Thăng Long.

“Trải qua thời gian, tòa thành đồ sộ và những lầu son gác tía không còn nữa, nhưng hệ thống các loại hình kiến trúc còn lại trên mặt đất và quần thể các dấu tích nền móng cung điện lầu gác cùng số lượng lớn các di vật độc đáo được phát hiện dưới lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành là di sản vô cùng quý giá, minh chứng cho sự phát triển liên tục của kinh đô Thăng Long và lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam”, bà Yến cho hay.

Giới thiệu về 5 điểm di tích nằm trên trục chính tâm của Hoàng thành, bà Yến cho biết, đầu tiên phải kể đến Kỳ đài (Cột cờ Hà Nội), được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805-1812). Vị trí này vốn là nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía Nam trục chính tâm của toà thành, từ đây theo đường “ngự đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là Điện Kính Thiên.

Kỳ Đài là một trong những công trình kiến trúc quý báu còn lại thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội có may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp trong những năm 1894-1897. Kỳ Đài cao 33,4m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Trên các tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m.

Tiếp đó là Đoan Môn, là cửa trong cùng, dẫn vào Cấm thành, nơi ở của vua và hoàng tộc. Cửa Đoan Môn nguyên là công trình được xây dựng từ đời Lý, với tên gọi Ngũ Môn Lâu. Đoan Môn là cổng có vị trí rất quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng thành. Giữa Đoan Môn và Điện Kính Thiên là Long Trì (Sân Rồng, thời Lê còn gọi là Đan Trì). Đây là một không gian mang ý nghĩa văn hóa tâm linh quan trọng của Cấm Thành, nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng.

Với nền Điện Kính Thiên, là điểm di tích quan trọng của Khu trung tâm Hoàng thành, được xây dựng năm 1428, trên nền điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý - Trần. Theo quan niệm phong thủy cổ truyền, Núi Nùng hay Long Đỗ là nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước nên chính điện của vương triều được xây dựng ngay trên ngọn núi thiêng này. Hiện nay, Điện Kính Thiên chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm rồng đá.

Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa hay Pagode des Dames (Chùa các bà), là công trình được xây dựng muộn hơn (1821) so với các di tích nằm trên trục trung tâm của thành Hà Nội, ban đầu được sử dụng vào mục đích tôn giáo (thờ Phật). Cuối thế kỷ XIX, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.

Ngoài ra, trong khu vực Hoành thành còn có Di tích cách mạng Nhà D67 và Hầm D67.

Di tích cách mạng Nhà D67 và Hầm D67 nằm ở khu A Sở Chỉ huy Bộ Quốc phòng, trong khuôn viên di tích nền Điện Kính Thiên. Năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá Thủ đô Hà Nội. Năm 1967, mức độ đánh phá ngày càng ác liệt. Để đảm bảo nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Thành cổ Hà Nội. Ngôi nhà thiết kế năm 1967, được gọi là Nhà D67, có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Hầm D67 (Hầm quân uỷ Trung ương) cũng được xây dựng năm 1967 cùng với nhà D67. Hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống bom. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương khi cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.