Ông Đoàn Sung say sưa thuyết minh về dự án của mình - Ảnh: Tấn Việt |
Hiện vật “Con đường gốm sứ trên biển” trục vớt từ những con tàu đắm đang được trưng bày ngay trên đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) - “nghĩa địa” của những tàu cổ đắm, nhằm phục dựng lại “dấu ấn cha ông trên biển Đông”, góp phần “bồi đắp” thêm tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Từ nhà trưng bày hiện vật tàu cổ
Những ngày cuối năm 2015, PV Báo Giao thông theo chân đoàn khảo sát gồm cơ quan chức năng Quảng Nam, các nhà khảo cổ học, công ty CP Đoàn Ánh Dương - chủ đầu tư dự án vượt biển ra đảo Cù Lao Chàm (CLC). Khu trưng bày hiện vật tàu cổ nổi bật trong nhà văn hóa CLC. Bên trong, nhiều hiện vật cổ được trưng bày trang trọng. Hiện, có hơn 300 cổ vật khai quật từ tàu đắm CLC được trưng bày tại đây.
Theo ông Đoàn Sung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đoàn Ánh Dương, tàu đắm này được phát hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước, được khai quật quy mô lớn vào năm 2004 dưới sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Nam. Năm 2007, sau nhiều lần chống chọi với áp lực nước ở độ sâu 72 m, các thợ lặn chuyên nghiệp đã đưa lên hơn 250 nghìn hiện vật gốm sứ cổ. Con số hiện vật khổng lồ này đã làm sáng tỏ một phần “con đường gốm sứ trên biển”, có ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt.
“Cuộc khai quật tàu đắm CLC được ghi nhận là cuộc khai quật tốn kém nhất, sử dụng trang thiết bị hiện đại nhất, có thời gian khai quật tại hiện trường lâu nhất, đội ngũ thợ lặn tinh nhuệ nhất, là cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước ở độ sâu nhất, thu được số lượng hiện vật nhiều nhất...”, ông Sung tự hào. Gần chục năm trôi qua, ông Sung vẫn vẹn nguyên tâm huyết không chỉ “khai quật” mà phải làm cho các con tàu đắm thực sự “sống dậy”, khẳng định “con đường gốm sứ trên biển” mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa và chủ quyền của Việt Nam. Những năm qua, ông Sung miệt mài nghiên cứu, tham gia hàng loạt các đợt khai quật tàu đắm tại các “nghĩa địa” tàu cổ trên địa bàn Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Con đường gốm sứ, nối kết các tuyến đường ven biển miền Trung thêm hình hài sáng tỏ.
Bức tượng gốm Chu Đậu hình thiếu nữ |
Phục dựng “con đường gốm sứ trên biển”
Ông Sung nâng niu bức tượng gốm hình thiếu nữ được xác định là gốm Chu Đậu “cổ, hiếm”. Khi tàu CLC được phát lộ, bên cạnh bức tượng này là một bộ hài cốt cùng một chiếc nhẫn đính hôn. Giám định xương cho thấy, hài cốt là một cô gái khoảng 18 tuổi ở thế kỷ XV.
Theo ông Sung, điểm mấu chốt của việc tìm tòi, lật lại những trang lịch sử này là nhằm thay đổi quan điểm về vai trò của Việt Nam lúc bấy giờ đối với “con đường gốm sứ trên biển”. Hiện, giới nghiên cứu vẫn cho rằng, Việt Nam tích cực tham gia vào con đường đặc biệt này. Tuy nhiên, với những cổ vật sẽ được trưng bày khi bảo tàng hoàn thành, quan điểm chung phải là: Việt Nam “đóng vai trò chủ đạo” trong việc phát triển “con đường gốm sứ trên biển”!
“Chúng ta phải khẳng định với bạn bè quốc tế như vậy, bởi vào thế kỷ XV, nước ta đã có làng gốm Chu Đậu nức tiếng, có thương cảng Hội An sầm uất. Nhiều nhà buôn khắp châu Á đã sang đây mua bán, trao đổi gốm sứ. Bằng chứng thuyết phục nhất chính là những con tàu cổ chở gốm sứ Chu Đậu, gốm Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan... đều nằm lại ven bờ biển miền Trung Việt Nam”, ông Sung giải thích.
Đến nay, 11 con tàu đã được khai quật. Dẫu vậy, vẫn chưa có một bảo tàng chuyên trưng bày và phát huy nguồn di sản quan trọng này, ông Sung trăn trở và hy vọng dự án Bảo tàng tàu đắm CLC sẽ là một điểm nhấn quan trọng trên đảo, thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo du khách, giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Giọng ông hồ hởi: Khu bảo tàng sẽ được xây dựng trên diện tích 5 nghìn m2 trên khu vực cánh đồng Chùa. Trong đó, khu nhà chính rộng 3 nghìn m2, mô phỏng theo hình dáng tàu cổ CLC gồm 19 phòng ứng với 19 khoang tàu. Ngoài ra còn có khu nhà kho, phòng làm việc, nơi bảo quản hiện vật và khu vực sân vườn. Cũng theo đề án, một phòng chiếu phim trình chiếu quá trình khai quật tàu cổ CLC và một số tàu khác sẽ được đặt đối diện khu nhà chính.
Tiếng nói chủ quyền
Theo ông Sung, năm 2013, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nơi nào có xác tàu đắm và đồ gốm sứ Trung Quốc thì nơi đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc trình lên UNESCO hồ sơ về “con đường gốm sứ trên biển” và tài liệu nhiều con tàu đắm chở gốm sứ trên con đường đó. Nếu UNESCO công nhận cái Trung Quốc gọi là di sản văn hóa riêng của mình, nước này sẽ lấy cớ bảo vệ nguồn di sản để chiếm giữ những khu vực trọng yếu trên biển Đông.
“Điều này hoàn toàn phi lý, bởi Con đường gốm sứ trên biển hình thành từ thế kỷ IX. Đến thế kỷ XIV thì Việt Nam bắt đầu giao thương buôn bán trên đó. Có thể khẳng định, với nhiều lò gốm nổi tiếng, cộng với vị thế địa chính trị của mình, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển con đường này”, ông Sung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sự, Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hội An khẳng định: “Những năm gần đây, nhận thức về di sản văn hóa biển trong nước đã được hiểu đúng hơn. Việc phục dựng lại di sản văn hóa biển nói chung và “con đường gốm sứ trên biển” nói riêng không chỉ để phát triển du lịch. Đây chính là cơ sở khoa học chứng minh chủ quyền biển đảo của nước ta”. Theo ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng bộ xã Tân Hiệp, du khách Trung Quốc luôn chiếm số lượng lớn trong lưu lượng khách ghé thăm đảo. Vì vậy, có một bảo tàng góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam tại đây là điều đáng mừng. Đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp về tranh chấp chủ quyền trên biển.T.V
MIỀN TRUNG: THÊM NHIỀU BẢO TÀNG HOÀNG SA - TRƯỜNG SA Bảo tàng Hoàng Sa vừa được UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) khởi công xây dựng. Trong khi đó, khu tưởng niệm nghĩa sỹ Hoàng Sa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) được Tổng Liên đoàn lao động VN thống nhất phương án “Người mẹ thắp lửa - Ngọn lửa tưởng niệm và thắp sáng hi vọng”. Bảo tàng, khu tưởng niệm là nơi trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, tư liệu khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đối với người dân, bạn bè quốc tế. “Dù ở bất kỳ thời gian nào, Hoàng Sa luôn nằm trong trái tim của người dân Việt Nam”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN nhấn mạnh về dự án. NGÂN HÀ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận