Vấn đề nhân quyền tại Tân Cương là trung tâm trong căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và một loạt các nước phương Tây lần này
Ngay sau khi Mỹ, Anh, Canada và Liên minh Châu (EU) đồng loạt áp lệnh trừng phạt với giới chức Trung Quốc vì cáo buộc lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương, Bắc Kinh lập tức đáp trả với các biện pháp tương tự.
Sáng 23/3, theo hãng tin Reuters, Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc về lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương và đáp trả bằng một loạt các lệnh trừng phạt rộng hơn, trả đũa EU.
Danh sách trừng phạt không chỉ bao gồm các nghị sĩ EU, một số nhà ngoại giao và thân nhân của họ mà còn nhắm tới Uỷ ban An ninh và Chính trị (cơ quan ra quyết định chính sách ngoại giao chính của EU) cùng 2 tổ chức khác như Quỹ Liên minh Dân chủ phi lợi nhuận do cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen sáng lập.
Một trong số các nhân vật cấp cao nhất của khu vực Châu Âu bị trừng phạt là chính trị gia Đức Reinhard Butikofer. Ông là người đứng đầu phái đoàn của Nghị viện Châu Âu tại Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có học giả Đức nghiên cứu về Tân Cương, ông Adrian Zenz. Nhiều phân tích của ông Zenz từng được Bộ Ngoại giao Đức trích dẫn vào năm ngoái khi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn cấm các cá nhân, tổ chức trên nhập cảnh và giao thương với Trung Quốc vì cáo buộc làm tổn hại quyền tài phán của nước này tại Tân Cương.
Ngay sau đó, Hà Lan đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại The Hague vì các lệnh trừng phạt. EU cùng Đức, Bỉ và nhiều nước khác đã bác bỏ các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Các nước phương Tây đồng loạt trừng phạt
Động thái trên là phản ứng tức mà Trung Quốc đưa ra nhằm trả đũa việc Mỹ, EU, Anh, Canada đồng loạt áp lệnh trừng phạt với Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm trước vấn nạn bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo Đạo Hồi tại Tân Cương.
Tính đến thời điểm này, trong khối EU, có 27 nước tham gia trừng phạt, trừ Hungary. Ngoại trưởng Hungary cho rằng những biện pháp này là "vô lý và gây hại".
Về chi tiết các biện pháp trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ đưa thêm 2 quan chức Trung Quốc vào danh sách đã trừng phạt trước đó vì vấn đề Tân Cương.
Còn EU chính thức áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc, đánh dấu lần đầu EU áp lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. Lệnh cấm vận này vẫn đang được áp dụng.
Các nước Anh và Canada áp đặt biện pháp trừng phạt tương tự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận