Tuần trước, hành khách (không được công khai danh tính) đi máy bay từ Indonesia tới Australia đã bị phạt gần 2.000 USD sau khi kiểm tra ba lô của người này tại sân bay Darwin (Australia) và phát hiện hai chiếc bánh McMuffins xúc xích bò, trứng và một bánh sừng bò chưa được khai báo với hải quan.
Bộ trưởng Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Australia Murray Watt cho biết: “Đây sẽ là bữa ăn Maccas đắt nhất của vị khách này từ trước tới nay. Mức phạt gấp đôi giá vé máy bay tới Bali (thuộc Indonesia) nhưng tôi không thể đồng cảm với những người không tuân thủ quy định an toàn sinh học nghiêm ngặt của Australia”.
Sự việc xảy ra trong bối cảnh giới chức Australia áp dụng các quy định an toàn sinh học nghiêm ngặt hơn sau khi dịch lở mồm long móng (FMD) bùng phát tại Indonesia và đã lan tới Bali, địa điểm du lịch ưa chuộng của nhiều du khách Australia.
Australia tịch thu 3 món bánh của hành khách tới từ Indonesia. Ảnh - AFP
Ông Watt cho biết các sản phẩm có chứa thịt tịch thu từ hành khách trên sẽ được xét nghiệm FMD trước khi tiêu hủy. Ông Watt khẳng định chính quyền Australia không muốn bệnh dịch này xâm nhập vào trong nước. Bộ trưởng Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Australia cũng khẳng định “an toàn sinh học không phải trò đùa” và hành khách cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện nhập cảnh vào Australia bao gồm các quy định về an toàn sinh học.
Tháng trước, Chính phủ Australia ban hành các quy định mới về an toàn sinh học, thắt chặt kiểm tra tại khu vực biên giới liên quan tới vệ sinh thực phẩm tại tất cả sân bay quốc tế, triển khai chó nghiệp vụ về an toàn sinh học tại các sân bay Darwin và Cairns sau khi dịch FMD bắt đầu lây lan ở gia súc tại Indonesia.
Các chuyên gia ước tính đợt bùng phát dịch FMD tại Australia có thể khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 80 tỷ USD. Thông báo ngày 19/7 của Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp Australia nêu rõ: “Hành khách từ Indonesia sẽ phải kiểm tra an toàn sinh học nghiêm ngặt hơn do sự xuất hiện của dịch lở mồm long móng tại nước này”.
Các trường hợp không khai báo sản phẩm có nguy cơ về an toàn sinh học sẽ được coi là phạm luật an toàn sinh học của Australia và có thể bị phạt tới 2.664 USD. Ngoài ra, các trường hợp tới Australia bằng thị thực tạm thời có thể bị hủy thị thực và từ chối nhập cảnh vào Australia.
Dịch FMD lây lan ở gia súc như bò, cừu, lợn, dê, lạc đà. Virus gây bệnh có thể tồn tại ở động vật sống, các sản phẩm từ thịt, sữa cũng như trên quần áo, giày dép và hành lý của người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận