Xã hội

Bị quá tải, xúc phạm, nhiều bác sĩ chuyển công tác

07/12/2016, 20:29
image

Không chịu nổi áp lực công việc quá tải, thường xuyên bị đe doạ, nhiều bác sĩ ở Gia Lai đã chuyển công tác.

DSC_3363

Không chịu nổi áp lực công việc do quá tải và thường xuyên bị đe doạ, nhiều bác sĩ ở Gia Lai đã chuyển đi công tác...

Ngày 7/12, tại phòng thảo luận tổ 5, kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai, khoá XI (kỳ họp thứ 2 tổ chức từ ngày 6-8/12/2016), bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Chủ tịch HĐND-Bí thư TX. An Khê cho biết, hiện nay tình trạng bác sĩ ở các bệnh viện địa phương tỉnh Gia Lai không chịu nổi áp lực công việc do quá tải và thường xuyên bị đe doạ, xúc phạm nhất là trong xử lý cấp cứu đã chuyển công việc đến các địa phương khác. 

Liên quan vấn đề này, bà Lịch cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh có nhiều bác sĩ đã nghỉ việc để đến các bệnh viện lớn và bệnh viện tư để công tác. Lấy dẫn chứng từ Bệnh viện khu vực An Khê hiện ở quy mô bệnh viện hạng 3, thực trạng đã xuống cấp, quá tải, số lượng bác sĩ và bác sĩ chuyên môn cao đều thiếu. Việc tuyển chọn bác sĩ về làm việc tại địa phương ngày một khó khăn do họ "không mặn mà”. 

Bà Lịch cũng cho biết, hiện nay trình độ của y, bác sĩ tại các bệnh viện công ở tuyến huyện, tuyến tỉnh Gia Lai có sự chênh lệch so với khu vực. Và ngay cả chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa khu vực công và tư chênh khá xa. Hơn nữa, mức lương cũng quá chênh lệch nên không thu hút được các bác sĩ có trình độ cao vào làm việc tại bệnh viện Nhà nước.

Trước đây, tỉnh Gia Lai có cơ chế cho các đối tượng y sĩ đi học lên bác sĩ. Nhưng những người này trình độ chuyên môn thực sự vẫn còn hạn chế. Không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, chữa trị bệnh nhân.

Cũng liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thái Bình - Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Gia Lai cho biết: "Người bệnh đi các nơi khác để chữa trị ngày một nhiều. Có lẽ họ không yên tâm khi điều trị bệnh tại địa phương hoặc dịch vụ y tế ở tỉnh Gia Lai chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh".

Để tháo gỡ, bà Lịch đề nghị tỉnh Gia Lai cần có giải pháp căn cơ để thu hút, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt này nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên, nhất là tỉnh Gia Lai có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Trong đó, cần bổ sung trang thiết bị, máy móc trong khám chữa bệnh, cần có hướng đào tạo nguồn bác sĩ có chuyên môn cao và kế hoạch tuyển dụng những người có trình độ chuyên khoa về công tác tại địa phương.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trước những bạo hành của người nhà của bệnh nhân tại bệnh viện cần phải tăng cường lực lượng chức năng đảm bảo an toàn cho bác sĩ, nhân viên y tế an tâm làm việc.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.