Trong khi đoạn qua Đồng Nai chỉ mới bàn giao được 9% thì đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt trên 96%. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt này?
Đi từng ngõ, đến từng nhà thuyết phục
Những ngày đầu tháng 11, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường thi công dự án thành phần 3, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Bá Lý, Phó chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ chỉ tay ra khu đất trống dài cả chục cây số cho biết, hàng chục hộ dân chấp nhận giao đất trước khi có phương án bồi thường.
"Đa số bà con đều mong có đường cao tốc để đi lại thuận lợi, nên chúng tôi nhận được ủng hộ từ nhiều phía.
Cán bộ xã đến từng hộ dân, giải thích, chia sẻ các thông tin của dự án. Với những thắc mắc về giá bồi thường, chính sách… cán bộ sẽ giải thích cặn kẽ. Những vấn đề vượt thẩm quyền, xã báo cáo lên huyện để có phương án tháo gỡ tốt nhất", ông Lý chia sẻ.
Đến nay, xã Tóc Tiên đã bàn giao 97% mặt bằng. Một số hộ còn lại do có thắc mắc về vị trí, mức giá bồi thường, xã tiếp tục vận động.
Ông Trần Văn Tánh, một trong những hộ tiên phong bàn giao đất sớm để làm cao tốc cho biết: "Tôi ở đây đã gần 40 năm. Khi nghe nhà nước làm cao tốc, tôi cũng như bà con rất mừng, ủng hộ ngay. Sau này đi khám bệnh ở TP.HCM hay đi học, đi làm cũng thuận lợi, đỡ lo kẹt xe trên quốc lộ 51".
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng ấp 3, xã Tóc Tiên, một trong những người tham gia vận động tuyên truyền từ những ngày đầu cho biết, bà làm trưởng ấp đến nay đã 13 năm nên hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân.
"Hầu như tuần nào tôi cũng đi cả tuần. Với những bà con đi làm rẫy, phải đến nhà vào buổi tối mới gặp được. Ai đi làm công ty, phải đợi chủ nhật mới có thể gặp trò chuyện. May mắn là ai cũng đồng tình vì thấy các kiến nghị đều được tháo gỡ nhanh chóng", bà Hương chia sẻ.
Giữ đất khi dự án mới được phê duyệt
Tại thị xã Phú Mỹ, cao tốc đi qua bốn xã, phường gồm: Mỹ Xuân, Hắc Dịch, Tóc Tiên, Châu Pha, tổng chiều dài khoảng 15,73km. Diện tích đất thu hồi hơn 115ha với 1.048 hộ và 14 tổ chức bị ảnh hưởng.
Theo ông Trương Trọng Ngân, Trưởng ban Dân vận thị xã Phú Mỹ, địa phương triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng là do từ khi dự án được phê duyệt, đã nhanh chóng thông tin đến bà con.
Tại các buổi họp, lãnh đạo huyện chia sẻ về tầm quan trọng của dự án để bà con hiểu. Vì vậy khi bắt đầu có "lệnh" giải phóng mặt bằng, nhiều hộ chưa cần biết giá bồi thường nhưng vẫn chấp nhận giao đất trước.
Ông Trần Văn Tuấn, Bí thư Thành ủy Bà Rịa cho biết, dự án qua địa phận tỉnh TP Bà Rịa là 3,77km, diện tích thu hồi là 22,83ha; 151 trường hợp có đất bị thu hồi, tổng kinh phí bồi thường khoảng 288,232 tỷ đồng.
Để công tác GPMB được nhanh, thành phố đã lập 4 tổ gồm tổ tổng hợp, tổ tuyên truyền vận động, tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ an ninh trật tự. Trong đó, phân công, phân nhiệm cụ thể từng thành viên.
"Việc đi đến từng hộ dân để tuyên truyền được thực hiện từ những năm trước chứ không phải đến khi dự án triển khai mới bắt tay vào làm.
Vì vậy ranh giới, lộ giới đã quy hoạch được giữ, hạn chế tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, khi bắt tay vào giải phóng mặt bằng rất nhanh", ông Tuấn chia sẻ.
Có mặt bằng sớm, nhà thầu chạy đua làm 3 ca 4 kíp
Men theo một số đường ngang tại thị xã Phú Mỹ, chúng tôi đến một số khu vực các nhà thầu đang thi công. Theo ghi nhận, do đã có trên 96% mặt bằng nên xuyên tuyến từ thị xã Phú Mỹ đến TP Bà Rịa, các nhà thầu đều đã triển khai thiết bị, nhân lực cần thiết.
Ba đơn vị chịu trách nhiệm thi công đoạn này gồm Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703, Công ty CP 479 Hòa Bình. Tổng cộng có 11 mũi thi công các hạng mục cầu và đường.
Tại vị trí xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, một tổ khoảng 20 công nhân đang điều khiển xe cuốc, xe cẩu bóc tách hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng. Cạnh đó hàng loạt cống bê tông đúc sẵn đã được sắp xếp. Ngoài ra, tại trạm bê tông xi măng có khoảng hơn 10 công nhân cùng nhiều xe trộn bê tông, xe tải, máy cuốc cũng đang hoạt động.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, công nhân thi công đoạn tuyến qua xã Tóc Tiên cho biết, công nhân làm việc theo ca kíp và luân phiên nhau. Chỗ ở của công nhân nằm ở ấp 6, xã Tóc Tiên, gần vị trí thi công nên việc di chuyển, đi lại thuận lợi.
Thực tế, hiện nay các nhà thầu đã thi công cả phần cầu và đường. Ở phần cầu, nhà thầu đã xong công tác chuẩn bị, đang thi công cầu Suối Nhum, cầu vượt Hội Bài – Châu Pha, Suối Đá, cầu vượt ngang.
Đến nay, các nhà thầu đóng được 83 cọc khoan nhồi, đang tiếp tục đúc 6 dầm tại cầu Suối Nhum và cầu Suối Đá. Một số nhân lực thi công các cống trên tuyến (19/41 vị trí cống) và đúc cống các loại.
Riêng phần đường, hiện đã xong công tác chuẩn bị, đang phát quang, dọn dẹp mặt bằng và vét hữu cơ, đắp cát nền đường, làm đường công vụ.
Theo ông Nguyễn Công Danh, Phó ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư dự án), sắp tới các nhà thầu sẽ triển khai 3 ca, 4 kíp để đẩy tiến độ, phấn đấu hoàn thành hạng mục đắp đất nền đường, cống thoát nước trước 30/4/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận