Hồ sơ tài liệu

Bí quyết ở đất nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới

25/02/2021, 06:57

Sự nhanh nhạy, sáng tạo của New Zealand với hàng loạt biện pháp đã giúp nước này đứng đầu thế giới về năng lực kiểm soát đại dịch Covid-19.

img

Mô hình bong bóng xã hội được New Zealand triển khai hiệu quả để ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng

Sự nhanh nhạy, sáng tạo của New Zealand trong thiết lập hệ thống giãn cách xã hội, xây dựng bong bóng xã hội, bong bóng nhà trường... cho phép người dân vẫn sống, học tập theo những cộng đồng nhỏ... Cùng với các biện pháp cách ly phòng dịch và truy vết đã giúp đảo quốc này đứng đầu thế giới về năng lực kiểm soát đại dịch Covid-19.

Thành lập bong bóng xã hội

Theo trang Business Insider (Mỹ), New Zealand xếp vị trí thứ nhất về mức độ kiểm soát dịch Covid-19 trong bảng xếp hạng do Viện nghiên cứu Lowy (Australia) thực hiện. Việt Nam xếp thứ hai trong bảng xếp hạng này.

New Zeland xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên từ tháng 2/2020. Từ đó đến nay, đảo quốc này chỉ chứng kiến 2 đợt bùng phát dịch lớn. Tính đến ngày 23/2/2021, New Zealand có 2.357 ca nhiễm, trong đó đã chữa khỏi 2.277 ca và chỉ có 26 người tử vong vì Covid-19.

Chính sách phòng dịch của New Zealand do Chính phủ trung ương chỉ đạo, trong đó Bộ Y tế và Cơ quan Phản ứng khẩn cấp đóng vai trò hàng đầu.

Đất nước Thái Bình Dương cũng áp dụng phương thức kiểm soát dịch chặt chẽ, trong đó chú trọng phát hiện nguồn lây, truy vết triệt để, cách ly và giãn cách xã hội, cung cấp thông tin rõ ràng minh bạch về tình hình dịch tới người dân... Nhưng nước này xây dựng hệ thống cảnh báo rất quy củ, chia thành 4 mức, xác định rõ các quy định, giới hạn của từng mức, ứng với mức độ dịch.

New Zealand từng áp dụng mức cảnh báo cao nhất (mức 4), giới nghiêm trên quy mô rộng trong thời gian dài cho đến khi đánh giá tình hình dịch bệnh hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát.

Chẳng hạn, ngay đợt bùng phát dịch đầu tiên, New Zealand áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc trong hơn 1 tháng, bắt đầu từ ngày 25/3 - 27/4/2020. Sau đó, một phần lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ nhưng vẫn duy trì giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người cho tới tháng 6.

Nhưng điểm nhấn tạo nên thành công của New Zealand chính là lập ra những bong bóng xã hội. Mô hình này do Tiến sĩ Tristram Ingham, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Khoa Dược, Đại học Otago (Thủ đô Wellington) sáng lập.

Mức độ tốt nhất của bong bóng xã hội là nên chỉ ở trong phạm vi một hộ gia đình. Nhưng Chính phủ cho phép 2 hộ gia đình có thể lập nhóm với nhau để sống thành một cộng đồng quy mô nhỏ.

Những người trong bong bóng được phép liên hệ, giao tiếp với nhau nhưng không được phép giao lưu với các bong bóng khác. Từ đó, người dân vẫn có những kết nối xã hội, không bị cô lập quá mức dù phải chịu lệnh giới nghiêm trong thời gian dài.

Tự chủ cách dạy và học trực tuyến

Trong những đợt giãn cách dài, New Zealand cũng buộc phải đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục. Song đất nước có nền giáo dục tốt thứ 7 thế giới dễ dàng chuyển đổi sang cách thức học tập trực tuyến.

Thực tế, quốc đảo Thái Bình Dương có lịch sử giáo dục từ xa rất lâu đời. Từ năm 1922, học sinh, sinh viên xứ kiwi đã được học Chương trình Phổ thông Quốc gia thông qua phương tiện truyền thông.

Một trong những yếu tố làm nên thành công đó là giáo viên và học sinh New Zealand được tự chủ cách học và dạy. Ngay trong chương trình phổ thông, học sinh được dạy về kỹ năng tự quản lý, trong đó biết cách tự đặt mục tiêu và có trách nhiệm hoàn thành việc học. Từ đó, các em tự giác học dù có giáo viên hay cha mẹ trong phòng giám sát hay không.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất khi New Zealand mở rộng phương thức học trực tuyến, đó là không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện về thiết bị điện tử và kết nối mạng phục vụ cho việc học. Nhưng, Bộ Giáo dục nước này đã thực hiện chương trình cung cấp dữ liệu cũng như thiết bị học tập cho sinh viên tại các khu vực có kinh tế thấp.

Chính phủ cũng tạo điều kiện cho giáo viên hỗ trợ những học sinh học tập trong điều kiện khó khăn. Họ có thể cắt bớt chương trình, tập trung tổ chức và dạy những môn quan trọng nhất, tùy theo nguyện vọng, mong muốn của học sinh, không nhất thiết dạy y hệt theo chương trình bình thường.

Bong bóng học tập

Đặc biệt, ở trường học, nếu trong điều kiện giới nghiêm hoặc giãn cách mức cao (mức 3 hoặc 4) và phụ huynh vẫn phải đi làm, không có điều kiện chăm nom con cái, học sinh vẫn có thể đến trường học tập theo đúng mô hình bong bóng.

Mỗi bong bóng cho phép một nhóm học sinh và sinh viên cùng học, làm bài tập, vui chơi trong khuôn khổ, dưới sự giám sát của 1 - 2 giáo viên phụ trách.

Ở một số trường, các học sinh có cùng quan hệ huyết thống được xếp vào cùng bong bóng, không phân biệt tuổi tác, cấp bậc. Một số trường khác lại lập bong bóng theo mô hình 15 học sinh, ở cùng độ tuổi.

Anh Juan Gregan, một giáo viên đến từ trường trung học Fairfield, thành phố Hamilton cho biết: “Nhà trường đã thành lập 3 nhóm “bong bóng” cho học sinh, mỗi nhóm từ 5 - 7 em. Khu vực ăn trưa, nhà vệ sinh được phân chia riêng cho từng nhóm, đảm bảo các nhóm không tương tác lẫn nhau.

Buổi sáng, khi đến trường, các em được dẫn thẳng tới phòng học chỉ định dành riêng cho nhóm mình, sát khuẩn tay mỗi khi ra vào lớp. Trong lớp, mỗi học sinh sẽ có bàn ghế riêng. Dù có mặt trực tiếp nhưng học sinh vẫn học theo giáo trình trực tuyến, tương tác qua thiết bị điện tử”.

“Nhà trường còn phân chia giờ nghỉ khác nhau và giáo viên có thể linh hoạt thay đổi tùy theo nhu cầu của học sinh”, anh Gregan kể.

Dù việc học theo bong bóng đòi hỏi người phụ trách phải đảm nhiệm nhiều công việc trong điều kiện bị hạn chế nhưng anh Gregan cho biết: “Là giáo viên, chúng tôi có trách nhiệm phải đảm bảo môi trường học tập an toàn cho những học sinh mà cha mẹ các em bắt buộc phải đi làm trong thời gian giãn cách xã hội”.

Mô hình bong bóng xã hội giúp cải thiện đáng kể tâm lý lo lắng, sợ hãi từng bủa vây người dân New Zealand, đặc biệt là những nhóm người cao tuổi, khuyết tật... ở thời điểm đầu dịch.

Mặt khác, chính quyền địa phương vẫn dễ dàng truy vết, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm nếu có một người trong nhóm được chẩn đoán mắc Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.