70 năm truyền thống ngành GTVT

Bí quyết thành công của vị giám đốc DN đường sắt

26/02/2015, 16:19

Một trong những bí quyết của ông là tìm mọi cách giữ người tài, lao động trình độ cao và trẻ hóa cán bộ.

161
 

Hẹn dăm lần bảy lượt với nhiều lần thuyết phục, ông mới đồng ý gặp mặt. Một phần vì công việc cuối năm bận rộn, nhưng cũng một phần ông không muốn viết về mình nhiều. Ông tâm niệm, cá nhân mình không có thành tích, mà thành tích là của tập thể, là sự đóng góp chung của mọi người trong đơn vị.

“Tôi không phải tấm gương”

Năm ngoái, ông Lại Văn Quán, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành Công ty CP công trình 6 (CTCPCT 6) là một trong ba cá nhân của ngành GTVT được tôn vinh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ XI do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức.

Vinh dự là thế, nhưng khi tôi đặt vấn đề muốn viết về ông, vị Tổng giám đốc này gạt đi, bảo: “Tôi không nghĩ mình là tấm gương, bởi đơn giản đối với công ty này, tôi được tiếp quản trên tinh thần đã có truyền thống từ rất lâu rồi. Mặc dù công ty có những bước thăng trầm, trồi sụt nhưng cũng có bề dày truyền thống từ những ngày đầu thành lập, đến nay đã gần 60 năm. Tôi cũng không phải vực dậy công ty, mà đây là nền móng từ các thế hệ lãnh đạo trước đó. Và quan trọng là sự đoàn kết đồng lòng của người lao động. Tôi chỉ có vai trò tập hợp anh em, tập hợp sức mạnh của tập thể để thành công”.

CTCPCT 6 đã được tổ chức chứng nhận quốc tế TUV CERT thuộc TUV  Anlagentechnik GmbH công nhận cấp chứng chỉ ISO 9001 -2000. Đơn vị này đã sản xuất được các loại tà vẹt bê tông dự ứng lực dùng cho các khổ đường khác nhau như  loại “TN1” dùng cho khổ đường 1.000 mm, loại “LW” và “LDP” dùng cho khổ đường lồng 1.000 mm và 1.435 mm theo tiêu chuẩn châu Âu. Đây là các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu tốc độ cao, tải trọng trục lớn, phù hợp với việc hiện đại hóa đường sắt VN.

Ông Quán sinh năm 1959, về làm việc tại Công ty công trình 6 từ năm 1987. Đến năm 2003, ông nắm cương vị lãnh đạo đơn vị này. Nhưng đây cũng là năm công ty có nhiều thay đổi, bắt đầu hoạt động theo mô hình cổ phần hóa và là một trong những đơn vị cổ phần hóa sớm nhất của Tổng Công ty Đường sắt VN.

Thật sự, thời kỳ đấy có nhiều khó khăn và thách thức, phải thay đổi tư duy quản lý từ bao cấp trước đó sang tự chủ, tự cạnh tranh tìm kiếm việc làm trong thời kỳ mới. “Lúc chưa cổ phần hóa, công ty chúng tôi làm không hết việc, nhưng thu nhập của người lao động không cao do năng suất thấp, hiệu quả công việc kém và bộ máy quản lý cồng kềnh”, ông Quán tâm sự và nhớ lại thời kỳ những năm 1999, các đơn vị thi công đường sắt phải hai tháng mới xong một cây số đường sắt, nhưng ông quyết định khoán chỉ 24 ngày phải xong.

Mới đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khi tổ chức lại cách thức quản lý và lề lối làm việc, hiệu quả thấy rõ, năng suất lao động cũng tăng lên và đương nhiên thu nhập cũng tăng. Khi đó, cách thức tổ chức sản xuất của các đơn vị đường sắt chưa hợp lý. Công nhân mới chỉ làm việc theo định mức được áp dụng từ thời bao cấp nên không còn phù hợp nữa, cần thay đổi để phù hợp với tình hình mới, quản lý tinh gọn và cần có những cán bộ công nhân kỹ thuật tay nghề cao và tâm huyết. Chính những sự thay đổi quyết liệt ấy đã khiến công ty nhận được nhiều dự án thầu mới.

Đơn cử như gói thầu CP1 của dự án Yên Viên – Lào Cai được khởi công từ tháng 12/2013. Nhưng đến tháng 6/2014, nhà thầu của Pháp mới ký hợp đồng với CTCPCT6. Mới đầu phía Pháp rất lo vì thời gian gấp quá rồi nhưng ông Quán khẳng định, nếu giao toàn quyền, ông đảm bảo sẽ rút ngắn được 6 tháng tiến độ. Để đạt được tiến độ đó, ông Quán khoán cho từng đội, cán bộ kiểm tra kỹ thuật sát sao để đảm bảo an toàn vừa chạy tàu, vừa thi công. Ông cũng mạnh dạn thuê các đơn vị xây dựng quốc phòng để thi công, có huấn luyện kỹ về quá trình làm công trình đường sắt và các báo hiệu an toàn chạy tàu, rồi cử cán bộ kỹ thuật đường sắt giám sát. Kết quả là công trình hoàn thành vượt tiến độ đúng cam kết, được các cơ quan chức năng đánh giá cao.

Giữ người tài bằng văn hóa doanh nghiệp

Một trong những bí quyết thành công của ông là tìm mọi cách giữ người tài, lao động trình độ cao và trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Ông Quán tâm niệm, để giữ vững hoạt động của công ty và từng bước tăng thu nhập cho người lao động, đồng hành với anh em thì phải lo cho anh em, biết quý trọng và tin tưởng anh em, khuyến khích sức sáng tạo trong mọi hoạt động của thế hệ trẻ.

“Đội ngũ cán bộ của công ty tôi rất trẻ, giám đốc các xí nghiệp trực thuộc phần lớn đều thuộc thế hệ 7X, 8X. Thế hệ này kinh nghiệm chưa nhiều bằng các thế hệ trước, nhưng bù lại họ có sự xông xáo, mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Nếu mình tin tưởng và giao việc, giúp họ có sự trải nghiệm sớm hơn sẽ rất có ích cho tập thể”, ông Quán nói.

Để giữ được lao động tay nghề cao, ông Quán cho rằng có hai việc. Thứ nhất, người lãnh đạo trực tiếp có thể hiện được ý chí của người lãnh đạo cấp cao hay không, làm sao để người lao động cảm giác nơi làm việc gần gũi như gia đình. Thứ hai là đồng lương của người lao động phải đảm bảo. Còn sự vất vả của nghề nào cũng có. Nghề làm công trình thường xuyên phải xa gia đình hàng tháng trời, nhưng sự vất vả ấy không nhiều người lao động nghĩ đến, mà họ nghĩ đến yếu tố môi trường và văn hóa tại nơi làm việc là chính, bên cạnh đó còn là thu nhập ổn định. “Hơn nữa, cái cốt yếu của doanh nghiệp phải là chữ tín. Phải giữ chữ tín với đối tác và ngay chính người lao động. Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, ông Quán tâm niệm thế.

Đến nay, mức lương người lao động của công ty ông tăng dần hàng năm. Thời kỳ 2007 chỉ bình quân 5 triệu đồng/người, đến năm 2013 là 8,5 triệu đồng và tới 2014 đã lên hơn 9 triệu đồng.

Và những trăn trở

CTCPCT6 chuyên về thi công các công trình giao thông, có hai nhà máy sản xuất tà vẹt bê tông phục vụ cho đường sắt, một mỏ đá sáp nhập với công ty từ năm 2008 và 7 công ty, xí nghiệp thành viên khác.

Nhưng điều ông trăn trở hiện nay là Công ty đá Phủ Lý hoạt động theo mô hình TNHH MTV 100% vốn điều lệ của công ty mẹ nhưng hiệu quả kinh doanh kém còn lỗ. “Chúng tôi đang tìm cách vực dậy công ty này. Cái khó hiện nay là các cán bộ của công ty chỉ chuyên về thi công công trình, hiện đang thiếu cán bộ chuyên trách về kinh doanh đá. Chúng tôi đã bàn bạc và thấy nếu cần thiết sẽ cổ phần hóa công ty này”, ông Quán nói.

Một trăn trở nữa là theo Luật Đấu thầu mới do vốn Nhà nước còn 43,87% nên công ty sẽ không tham gia đấu thầu được các công trình do Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN làm đại diện chủ đầu tư. Như vậy sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Để giải quyết được nút thắt này, ông Quán cho biết, sẽ tích cực làm việc với Tổng công ty Đường sắt VN, Bộ GTVT và các cấp chính quyền để thoái bớt vốn Nhà nước xuống dưới 30% nhằm đủ điều kiện tham gia các dự án trên. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.