Bị tài xế ô tô đạp ngã, người đi xe máy đề nghị được tiếp tục di chuyển
Sau vụ tài xế ô tô "tung cước" đạp ngã người đi xe máy ở phố Phúc La gây bức xúc dư luận, ngày 20/2, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đã triệu tập được tài xế ô tô lên trụ sở làm việc.
Tài xế ô tô là anh Lê Văn Q (SN 1992, ở Hà Nội) khai nhận, khoảng 12h ngày 17/2/2024, Q điều khiển xe ô tô Xpander màu đen biển số 30G-470.59 chở vợ từ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để về nhà tại huyện Thanh Trì.
Khi Q điều khiển ô tô đến đoạn khu vực cây xăng Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông và bật tín hiệu xin đường, đánh lái để rẽ vào cây xăng thì gặp xe máy Honda Wave BKS 30Z5-90.XX do anh Đ.V.H điều khiển chở hàng phía sau.
Clip tài xế ô tô đạp ngã người đi xe máy trên phố Phúc La.
Do đường đông, lái xe Q không rẽ vào cây xăng mà tiếp tục đi thẳng. Nghĩ là anh H đã va vào xe mình nên tài xế này hạ kính lái chửi anh H. Sau đó hai bên xảy ra to tiếng.
Tài xế ô tô đã xuống xe lao vào đấm đá anh H, làm chiếc xe máy của anh H bị đổ ra đường. Khi được vợ can ngăn, lái xe Q lên xe bỏ đi.
Một số người dân chứng kiến đã vào can ngăn. Tài xế ô tô cũng rời khỏi hiện trường bỏ mặc người đàn ông cùng xe máy đổ giữa đường. Sự việc nhận được sự quan tâm, gây bức xúc dư luận và lên án hành vi của nam tài xế ô tô.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an phường Phúc La đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, tài xế ô tô đã rời khỏi đó.
Qua làm việc với tài xế xe máy, người này cho biết bản thân không có thương tích và không ảnh hưởng đến hàng hóa trên xe, do đó đề nghị được tiếp tục di chuyển.
Tuy nhiên, tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, Công an quận Hà Đông đã xác minh làm rõ, triệu tập lái xe Lê Văn Q đến làm việc. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông đang củng cố hồ sơ, để có hình thức xử lý đối với lái xe Q theo quy định của pháp luật.
Tài xế ô tô có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Theo dõi một phần diễn biến vụ việc qua hình ảnh camera, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) đánh giá, tài xế xe ô tô con lao vào hành hung người đi xe máy đang chở hàng hóa thể hiện sự hung hãn, coi thường sức khỏe, thân thể người khác.
"Chưa bàn đến nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên như thế nào, hành vi của tài xế xe ô tô đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, ngay cả khi tài xế xe máy không tố cáo, cơ quan chức năng nắm bắt được thông tin vẫn sẽ vào cuộc xử lý", luật sư nêu quan điểm
Ông Giáp nhìn nhận việc tài xế ô tô dừng xe khi tham gia giao thông, lao đến hành hung và có dấu hiệu đuổi đánh khi đối phương bỏ chạy, đó là sự coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh, làm gương cho những người khác.
Đối với vụ việc này, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra, có thể xem xét xử lý đối với tài xế xe ô tô về hành vi gây rối trật tự công cộng, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự hoặc cố ý gây thương tích theo Điều 134 của bộ luật này.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn có căn cứ xem xét hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nếu định giá được thiệt hại đối với tài sản, hàng hóa của người đi xe máy, theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Cần giải quyết văn minh khi va chạm giao thông
Cùng quan điểm, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm) nhìn nhận, trong vụ việc trên có hai khách thể đã bị xâm phạm là an ninh trật tự xã hội và sức khỏe của người đi xe máy. Tương ứng với đó là các hành vi có thể bị xử lý gồm gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.
Với hành vi gây rối trật tự công cộng, cơ quan chức năng sẽ đánh giá khách quan về tính chất, mức độ của hành vi và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi dừng xe, hành hung người khác của tài xế ô tô.
Nếu việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội hoặc người vi phạm từng bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự về hành vi này, có cơ sở để xem xét trách nhiệm của tài xế về tội gây rối trật tự công cộng.
Trường hợp chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng đánh giá, xem xét việc xử lý hành chính người này về hành vi vi phạm Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với dấu hiệu cố ý gây thương tích, luật sư Trang cho rằng, vấn đề mấu chốt để xem xét trách nhiệm pháp lý là mức tổn hại sức khỏe của tài xế xe máy. Trường hợp người này bị thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng hành vi được xác định thuộc tình tiết định khung có tính chất côn đồ, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm hình sự.
Còn nếu các bên có thể hòa giải và người đi xe máy không có yêu cầu gì, trách nhiệm hình sự trong vụ việc sẽ được miễn trừ. Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho thấy tài xế xe máy có tỷ lệ tổn thương cơ thể, tài xế ô tô có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 5-8 triệu đồng.
Qua vụ việc trên, các luật sư khuyến cáo, khi xảy ra xung đột lúc tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải xem xét các yếu tố, điều kiện để bình tĩnh xử lý tình huống. Không nên nôn nóng, không sử dụng vũ lực, phương tiện khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong mọi trường hợp, người điều khiển phương tiện nên chọn cho mình cách giải quyết văn minh, cần giữ thái độ bình tĩnh, trao đổi với thái độ tích cực, cầu thị để tránh mâu thuẫn. Nếu các bên không thống nhất được phương án giải quyết, phải liên hệ với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận