Xã hội

Bí thư Bình Định: "Tôi chịu trách nhiệm nếu nhà máy thép đổ thải ra biển"

30/05/2023, 16:39

"Nếu sau này làm nhà máy thép, có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi chịu trách nhiệm", Bí thư Bình Định nói về dự án thép Long Sơn.

Ngày 30/5, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có buổi thông tin về các nội dung liên quan dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn đến người dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

5 điều kiện trước khi thực hiện dự án

Dự án do Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai khu liên hợp khoảng 468ha; cảng chuyên dùng khoảng 496,9 ha (trong đó, đất trên bờ khoảng 23ha, mặt nước biển khoảng 473,9ha).

img

Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn dự kiến sẽ triển khai tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn là phù hợp với phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Khi dự án đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, qua đó đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh.

"Dự án được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế của tỉnh", ông Tuấn nói và nhấn mạnh: Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế thuần tuý.

Hiện nay, dự án này mới triển khai các bước ban đầu, còn rất nhiều bước tiếp theo, như giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra, lập dự án, phương án bảo vệ môi trường, công nghệ... Tỉnh sẽ thực hiện đầy đủ các bước để xây dựng Đề án đầu tư trình Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định, phê duyệt.

img

Rất đông người dân thôn Lộ Diêu đến tham dự buổi thông tin về Dự án nhà máy gang thép Long Sơn

Bên cạnh đó, dự án này muốn được tỉnh thông qua, trước khi triển khai đầu tư phải đảm bảo 5 nguyên tắc: công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn và địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay.

Để thực hiện dự án, ngoài những chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư theo quy định của UBND tỉnh, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án này còn được bổ sung khung chính sách như giao thêm đất tái định cư cho từng hộ gia đình hoặc các cặp vợ chồng phát sinh trong hộ gia đình. Trường hợp các hộ gia đình có diện tích đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở bị thu hồi từ 300m2 trở lên thì được hỗ trợ giao thêm diện tích đất ở vào lô tái định cư.

Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ hỗ trợ tăng thêm giá trị bồi thường và một số chế độ chính sách khác cho người dân; tuyển dụng lao động và đào tạo nghề làm việc tại Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng; hỗ trợ người có công với cách mạng; làm đường giao thông...

Sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân

Buổi thông tin về các nội dung liên quan dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn đã thu hút gần 500 hộ dân thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ đến tham dự.

Phát biểu tại buổi công bố thông tin, một số bà con thôn Lộ Diêu bày tỏ những băn khoăn, tâm tư khi nơi đây đã gắn bó với họ từ lâu đời, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, người dân Lộ Diêu có nhiều đóng góp, hi sinh cho vùng đất này.

img

Trăn trở về hướng đi cho sự phát triển của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân

Thông tin chi tiết về dự án, Giám đốc Sở KH&ĐT Bình Định Lê Hoàng Nghi cho biết: Dự kiến Khu liên hợp gang thép Long Sơn có công suất 5,4 triệu tấn/năm; bao gồm các sản phẩm thép chất lượng cao, thép xây dựng, thép cuộn. Cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có công suất dự kiến 30 - 35 triệu tấn/năm; diện tích khoảng 496,9ha; bề rộng luồng 230m; cỡ tàu cập bến đến 250.000 tấn.

Dự án khi hoàn thành góp phần giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 1 khoảng 3.000 người); đóng góp ngân sách nhà nước trong thời gian xây dựng 4.926 tỷ đồng; khi hoàn thành 3 giai đoạn đi vào sản xuất đóng góp ngân sách 10.395 tỷ đồng/năm; đóng góp cho Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, buổi làm việc này là để tỉnh thông tin về dự án, lãnh đạo lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. Sau đó sẽ tổng hợp ý kiến, nguyện vọng trình lên các Bộ, Ban ngành Trung ương chứ không phải nói triển khai là triển khai ngay.

Ông cũng chia sẻ với những tâm tư, tình cảm của bà con khi phải hi sinh những gắn bó, tình cảm với mảnh đất này để chuyển sang nơi ở mới. Quê hương Hoài Nhơn đứng thứ 2 cả nước về số lượng anh hùng liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, riêng Lộ Diêu chỉ với hơn 500 hộ dân mà có 141 liệt sĩ. Sau chiến tranh, Đảng bộ, chính quyền nhân dân đã rất nỗ lực xây dựng quê hương đất nước, đưa Hoài Nhơn lên thị xã như hôm nay.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định, muốn phát triển phải có dự án lớn phù hợp với quy hoạch phát triển vùng. Dự án Long Sơn là một trong dự án đầu tầu tạo cú huých kinh tế cho tỉnh nhà. Do vậy, các thế hệ người dân Lộ Diêu cũng cần có cái nhìn toàn diện về vùng đất này.

“Tôi sinh ra, lớn lên từ nông thôn, trưởng thành và cả cuộc đời gắn bó với quê hương Bình Định nên rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Mỗi khi có một cái gì khác đi lại tạo phản ứng là tất nhiên, và chúng tôi hết sức cân nhắc điều này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chắt chiu từng cơ hội phát triển cho tỉnh nhà. Bây giờ, nếu không tìm hướng đi cho tỉnh thì chúng ta sẽ như thế nào? Nếu chỉ duy trì như hiện nay, thu ngân sách trừ tiền bán đất thì mới đáp ứng 40% nhu cầu chi cho tỉnh, còn 60% phải xin trung ương. Nếu vẫn cuộc sống cũ, đánh bắt nay có mai không, ruộng đồng thì không thể phát triển được nữa", ông Dũng tâm sự.

img

Người dân thôn Lộ Diêu chia sẻ những băn khoăn, tâm tư nếu phải chia tay nơi đã gắn bó với họ từ lâu đời

Do đó, ông Dũng cho rằng, cần phát triển công nghiệp, dựa vào các cảng biển. Trong đó, Cảng Quy Nhơn nằm ngay trong thành phố nhưng không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, giờ cảng này đã quá chật. Sau khi khảo sát rất nhiều năm, tỉnh thấy rằng cần mở một cảng mới về phía Bắc, đưa hàng hoá ra thế giới.

"Nước ta có nhiều nhà máy thép. Sự cố lớn nhất của Fomosa là dùng nước làm nguội thép và thải ra môi trường. Nay công nghệ này đã bị cấm. Công nghệ luyện thép của Long Sơn hoàn toàn khép kín, không xả thải ra môi trường.

Nếu sau này làm nhà máy thép có mét khối nước thải nào đổ ra biển thì tôi chịu trách nhiệm. Khói bụi đã có công nghệ lọc, quan trắc tại chỗ, 5 phút tự động gửi mẫu về cơ quan quản lý môi trường. Dự án cũng không di dời các di tích lịch sử; không thay đổi địa danh hành chính. Biển vẫn là biển Lộ Diêu, trời vẫn là trời Lộ Diêu", ông Dũng cam kết.

Trước lo lắng của người dân về công tác tái định cư, ông Dũng chia sẻ, Bình Định từng di dân tái định cư nhiều dự án. Như Dự án điện mặt trời ở Mỹ An, ban đầu rất căng thẳng nhưng sau đó bà con hiểu ra. Mới đây, để làm hồ thủy lợi Đồng Mít, tỉnh đã di dời cả một xã An Dũng của huyện An Lão về nơi ở mới, mô hình này bây giờ cả nước vào học tập. Hồ Đồng Mít đã giúp điều tiết nguồn nước sông Lại Giang và chính người dân Hoài Nhơn hưởng lợi.

"Nếu người dân An Dũng cũng nói đất tôi tôi ở, không dời đi đâu cả thì lấy đâu ra hồ Đồng Mít cung cấp nước cho bà con như bây giờ. Bao nhiêu đường giao thông, nếu như không ai di dời lấy đâu ra hạ tầng để phát triển. Đảng, Nhà nước làm gì cũng cân nhắc kỹ, không làm gì có hại cho bà con mình; làm gì cũng giúp tốt hơn cho nền kinh tế", ông Dũng tha thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.