Ngày 27/10, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, chính quyền các địa phương đã kiểm tra tình hình sạt lở tại huyện An Lão và việc neo đậu tàu thuyền tại TX Hoài Nhơn và công tác ứng phó bão số 9 tại một số địa phương.
Tại huyện An Lão, do ảnh hưởng từ bão số 8 kèm mưa lớn khiến một số tuyến đường ở một số xã miền núi bị sạt lở.
Ghi nhận tại xã An Quang, đã có 2 điểm sạt lớn xảy ra trên đường liên xã An Quang đi xã vùng cao An Toàn, khiến một đoạn đường dài khoảng hơn 10m bị sạt lở, mở hàm ếch ăn sâu vào tâm đường, tiềm ẩn tai nạn cho người dân khi qua lại, đặc biệt là xe tải.
Trong khi đó, tại tuyến đường thị trấn An Lão đi xã An Vinh cũng có nhiều điểm sạt lở.
Sau khi thực tế hiện trường, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu chính quyền địa phương phải kiên quyết sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm.
Tại các điểm sạt lở phải khẩn trương xử lý khối lượng đất đá trên đường, thông tuyến giao thông. Đồng thời cắt cử lực lượng túc trực để phân luồng, gắn biển cảnh báo người dân.
Tại cảng cá Tam Quan (TX Hoài Nhơn), hiện đa số các tàu cá đã vào nơi neo đậu an toàn. UBND phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn), cho biết toàn xã có 140 dân ở vùng ven biển ở trong vùng nguy hiểm cần phải di dời. Từ sáng nay (27/10), địa phương đã đi vận động người dân đi sơ tán đến nơi an toàn.
Để bảo vệ an toàn cho người dân, ông Hồ Quốc Dũng chỉ đạo trước 17h hôm nay (27/10), tất cả các hộ dân sống ven biển và nơi có triều cường phải được di dời đến nơi an toàn. Những hộ không chịu di dời thì lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế và bắt buộc di dời ngay tức khắc.
“Mọi người không được chủ quan, chần chừ. Tối khuya hôm nay là cấm không cho ai ra đường để giữ an toàn cho người dân”, ông Dũng nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết, dự kiến địa phương sẽ di dời khoảng hơn 10.000 hộ dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.
Đến thời điểm hiện tại, đã di dời được khoảng 3.000 hộ dân, chủ yếu ở các vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở. Công tác vận động người dân đến nơi an toàn vẫn đang được tiếp tục triển khai.
Đến chiều 27/10, công tác sơ tán dân cũng như kiểm tra ứng phó với bão số 9 được tiến hành khẩn trương từ nhiều tỉnh thành miền Trung. Tại Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác khắc phục sạt lở, di dời dân ở vùng núi của huyện An Lão, vùng trũng thấp ở TX Hoài Nhơn và một số địa phương khác.
Hối hả đưa lưới cụ vào nhà và dời tàu thuyền lên vùng cao hơn, lão ngư Trần Xê (trú phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn) cho biết: ông sống ở vùng biển rất nhiều năm trời. Qua kinh nghiệm cha ông để lại cũng như đúc kết từ những năm tháng đi biển của ông, trước khi bão đổ bộ, trời có dấu hiệu hửng nắng, không mưa... là dự báo sẽ có bão rất lớn đổ bộ vào.
"Trong cơn bão số 9 này cũng vậy. Đài thông báo bão sắp vào đất liền, tuy nhiên hiện tại thời tiết lại rất đẹp, không có dấu hiệu gì của bão, thậm chí còn hửng nắng chứng tỏ bão vào sẽ rất khó lường, nguy hiểm và rất mạnh. Do đó, bà con nên đề phòng và không được chủ quan", ông Xê chia sẻ.
Tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), rút kinh nghiệm từ đợt bão cuối năm 2019 khiến nhiều ngôi nhà tốc mái, sập đổ hoàn toàn. Hiện tại, công tác ứng phó bão số 9 đang được khẩn trương thực hiện. Lực lượng Bộ đội biên phòng, công an, dân quân được huy động giúp người dân chằng chống lại nhà cửa, gia cố một số đoạn bờ kè. Nhiều đoạn kè Nhơn Hải bị đánh sập năm trước đã được đầu tư xây dựng lại để đảm bảo an toàn các khu vực dân cư trước tác động của sóng biển...
Ghi nhận của PV, đến khoảng 15h chiều 27/10, khu vực bờ biển Bình Định đã có sóng cao tầm 2-4m. Trong đất liền, gió bắt đầu mạnh dần lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận