Sáng 13/7, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu vấn đề có quá nhiều sản phẩm OCOP để làm gì?.
“Tôi không vui khi báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Cà Mau có đến trên 80 sản phẩm OCOP. Con số này tăng rất nhanh. Điều này tốt, nhưng các đại biểu xem, chúng ta có bao nhiêu sản phẩm OCOP được vào các siêu thị trong nước?. Cơ quan quản lý Nhà nước phải giúp người dân đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nêu vấn đề.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng cần phải hướng dẫn, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải hướng dẫn người dân bảo vệ thương hiệu của mình bởi xây dựng thương hiệu đã khó, giữ càng khó hơn. Cần phải chấm dứt ngay hiện tượng làm giả, làm nhái, bởi người tiêu dùng rất khó chấp nhận bỏ ra hàng trăm ngàn đồng để mua cua Năm Căn, nhưng khi đem về ăn lại không phải là cua của Năm Căn.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Sơn Ca cũng cho rằng, có hiện tượng đặc sản có thương hiệu của tỉnh Cà Mau vẫn bị làm giả. Cụ thể, cua từ Kiên Giang, nơi khác đem về Năm Căn để trở thành cua Năm Căn, đây là điều rất đáng buồn.
OCOP là phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận