Sáng 11/7, tại kỳ họp thứ XIV, HĐND tỉnh Cà Mau khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Quan Hà, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống khai thác nguồn lợi thủy sản hủy diệt, gắn với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo ông Hà, đến nay các địa phương, đơn vị có liên quan đã tuyên truyền, vận động hơn 34.000 hộ dân ký cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, người dân đã tự giác giao nộp gần 600 bộ dụng cụ kích điện mang tính khai thác hủy diệt; 100% đơn vị cấp xã đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt. Toàn tỉnh có 1.529/1.530 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,9%.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động và trách nhiệm triển khai thực hiện có lúc có địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt, chưa coi trọng; ý thức người dân chưa cao, chấp hành chưa tốt.
Qua tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 346 vụ vi phạm các quy định về khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, xử phạt trên một tỷ đồng.
Ông Hà đề xuất các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục tuyên truyền để toàn dân hiểu về môi trường, biển đảo...
Cùng với đó là kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ các tàu cá của ngư dân cố tình vi phạm; không tàng trữ mua bán dụng cụ kích điện.
"Ngành chức năng tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác thủy sản; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các trường hợp bị xử lý hành chính lại tái phạm có thể xử lý hình sự theo quy định pháp luật", ông Hà đề xuất.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đang tập trung quyết liệt về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trên biển, không báo cáo và không theo quy định.
“Nếu như chúng ta không quyết liệt khắc phục trong thời gian tới đây, đoàn thanh tra của châu Âu vào thanh tra mà không gỡ được thẻ vàng thì lúc đó thủy hải sản Việt Nam sẽ không xuất vào thị trường này được, bà con gặp nhiều thiệt thòi”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, Cà Mau là tỉnh có nguồn lợi cá đồng rất phong phú trong tự nhiên. Tuy vậy, cách khai thác hủy diệt dùng kích điện, hóa chất, thuốc cá, chất nổ… khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt dần.
Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động hướng dẫn bà con không thực hiện hành vi đánh bắt, khai thác mang tính hủy diệt.
Ông Hải cũng thông tin thêm, trong tháng 6 vừa qua, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04 có quy định khoảng 20 nhóm hành vi vi phạm cả khai thác hải sản ven biển và khai thác thủy sản nội địa mang tính hủy diệt, sẽ được áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý. Trong đó, có một số hành vi áp dụng mức hình phạt rất cao đến 15 năm tù.
Trong tháng 7/2024, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở một cách rộng rãi, cùng với các tài liệu tuyên truyền hướng dẫn gửi đến bà con nhân dân, để mọi người cùng thực hiện một cách nghiêm túc.
“Ai vi phạm sẽ bị áp dụng đúng và nghiêm các quy định pháp luật để xử lý. Tôi cũng tha thiết đề nghị bà con nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về vấn đề này, đừng để vi phạm và bị xử lý”, ông Hải nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận