Nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Báo cáo tại buổi đối thoại, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Thủ đô đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 DN (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Theo Sở KH&ĐT, thành phố đang xây dựng và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, thành phố bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; Xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thông qua như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên, công nhân; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn...
Triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh: Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến...
Không để kinh tế đi theo hình chữ U hoặc chữ L
Tại buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, đến nay chưa thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến kinh tế. Trong quý I/2020, Việt Nam giữ được tăng trưởng khá cao so với thế giới nhưng chỉ bằng nửa năm trước. Quý II dự báo tiếp tục khó khăn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh mục tiêu hàng đầu là tập trung công sức thời gian cho công tác phòng chống dịch, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại kinh tế; duy trì và phát triển sản xuất để nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị tiềm năng để phục hồi kinh tế.
Thành ủy đã làm việc với khối nông nghiệp của thành phố.Thành phố quyết tâm và tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,04% bằng cách, tăng tái đàn gia súc, gia cầm. Lãnh đạo Thành phố đã bàn bạc thêm và đặt quyết tâm chiến lược sẽ tăng trưởng nông nghiệp ở mức 4,62%. Bí thư Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư phối hợp phát triển nông nghiệp và nhấn mạnh "Thành phố đang có chủ trương rà soát, không để mét đất nào bỏ hoang".
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế trực tuyến, Thành phố sẽ làm việc với Bộ TT&TT trong tuần tới để triển khai công việc hướng tới mục tiêu cứ 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp kể cả khởi nghiệp trong lĩnh vực này, chú trọng hình thức trực tuyến, kể cả với các dịch vụ công; coi đây như một "cứu cánh" của nền kinh tế.
Về đầu tư công, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội hiện có hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Huệ mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này.
"Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn được kích hoạt, thông suốt. Đầu tư công và tư nhân hiện nay là cứu cánh của Thành phố", ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Bí thư Hà Nội khẳng định, đối với các gói hỗ trợ của Chính phủ, Thành phố sẽ triển khai một cách nhanh nhất. Ngoài ra, ông cũng cho biết muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí… để Thành phố có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền.
Mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có hiến kế cho Thành phố để duy trì được đà tăng trưởng, ông Huệ nhấn mạnh: "Đây là lúc nạp năng lượng, tạo hiệu năng để khi vượt qua được dịch thì kinh tế có thể tăng trưởng vượt bậc như Thủ tướng Chính phủ đã nói, vượt qua dịch bệnh kinh tế như lò xo nén lâu ngày bật trở lại"
Ông cũng nhấn mạnh, kinh tế Hà Nội sẽ cố gắng đi theo hình chữ V lệch, với góc xuống không quá đột ngột, nhưng chiều lên thì dốc cao, bởi “không để kinh tế đi theo hình chữ U hay chữ L, nếu chữ L là đi xuống và không tăng trưởng lại được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận