Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Nghị cho biết, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 300 tiến sĩ, 4.100 thạc sĩ trên tổng số 120 nghìn cán bộ công chức, viên chức ở Thủ đô.
“Vừa qua nhiều người nhận xét, bình phẩm về thông tin thi tuyển công chức ở Hà Nội, đặc biệt về việc có tiến sĩ, thạc sĩ thi trượt công chức. Tôi cho rằng, một nơi mà nguồn nhân lực sẵn sàng ứng cử vào vị trí làm việc mật độ đông như ở Hà Nội thì chuyện thạc sĩ, tiến sĩ thi không đỗ là bình thường thôi, vì hầu hết những người thi đều là người giỏi, đều là thạc sĩ, tiến sĩ thi với nhau, vậy nên ông này đỗ ông kia trượt là đương nhiên”, ông Nghị khẳng định và cho rằng, đã nói thi thì phải có người trúng, người trượt, còn vấn đề có tiêu cực, có móc ngoặc, có hối lộ không thì cần phải điều tra mới có cơ sở để xử lý.
Liên quan đến việc xây dựng Thủ đô văn hóa, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng, để làm được việc này thì trước hết phải xây dựng con người có văn hóa. “Một đất nước có văn hóa thì con người cũng phải có cách xử sự tương xứng với nét văn hóa đó. Bên cạnh đó, cần sớm loại bỏ những việc như: Cứ có hội nghị là gắn hoa, gắn nơ lụa trên áo, cái đó chẳng để làm gì, vừa tốn tiền vừa gây ô nhiễm. Hay cứ có sự kiện gì là mang pháo giấy của Trung Quốc ra bắn. Chúng ta nên thay việc đó bằng những thứ văn minh, lịch sự hơn. Đó hoàn toàn là điều chúng ta có thể làm”, ông Nghị nêu quan điểm.
Đồng thời Bí thư Phạm Quang Nghị cũng cho rằng xây dựng văn hóa phải từ những việc chi tiết, cụ thể, từ lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc, xưng hô chứ không phải những thứ cao xa như lý luận, học thuyết. Nếu có học đủ thứ trên đời mà chưa làm được những việc giản đơn ấy thì vẫn là chưa có văn hóa.
Tại Hội nghị Tổng kết, Bí thư Phạm Quang Nghị cũng quán triệt về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho người Hà Nội: “Tôi yêu cầu cần tiếp tục đưa Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội ra lấy ý kiến rộng rãi, nhưng nhất định phải sớm có thời điểm hoàn thành việc này. Biết rằng vẫn có ý kiến này ý kiến khác, nhưng chúng ta có thể vừa làm vừa tiếp thu, điều chỉnh. Nếu không thể cùng lúc ban hành Bộ Quy tắc đối với 6 nhóm đối tượng như dự thảo, thì chúng ta có thể ban hành trước Bộ quy tắc đối với một hay hai nhóm nào đó, sau đó vừa làm vừa hoàn chỉnh, chứ tôi thấy các đồng chí nghiên cứu lâu quá rồi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận