Bí thư Thăng tham quan mô hình Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Linh Hoàng |
Báo cáo thiếu chất lửa
Tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM, sau khi nghe ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) báo cáo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng so với các địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Ninh, nguồn vốn thu hút vào Khu CNC của TP còn quá thấp.
Bí thư Thăng dẫn lại một đoạn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đánh giá “KH-CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế văn hóa xã hội của Thành phố" và đặt câu hỏi: "Mục tiêu của Đảng bộ TP là phát triển kinh tế theo chiều sâu, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới mà KH-CN như vậy thì ra sao? Vai trò của Khu công nghệ cao trong tổng thể KH-CN của TP như thế nào?”.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quảnn lý Khu công nghệ cao cho biết tổng diện tích Khu công nghệ cao TP HCM là 913ha. Đây là một trong 3 Khu CNC quốc gia do Chính phủ thành lập năm 2002. Đây là đặc khu kinh tế - kỹ thuật đa chức năng nhằm nghiên cứu phát triển và ứng dụng, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Khu CNC được ví như “thành phố khoa học công nghệ” để từ đây cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao đóng dấu “Made in Vietnam” tự tin xuất hiện trên thị trường. Đến nay, nguồn vốn đầu tư vào khu CNC lên tới 4-5 tỷ USD. |
Sở KH-CN TP.HCM thừa nhận Khu CNC của TP mới chỉ có nhà máy lắp rắp, lương bổng thấp nhân viên còn thấp, cần cơ chế chính sách. Chỉ có 7% nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phấn đấu đến 2020, kinh phí chi cho hoạt động trực tiếp nghiên cứu khoa học đạt 50%.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng báo cáo của Ban quản lý Khu công nghệ cao còn thiếu nhiều nội dung, chưa thể hiện chất “lửa”, chưa thể hiện sự quyết tâm đột phá, chưa đưa ra các mục tiêu cụ thể.
“Một thành phố đầu tàu của cả nước thì phát triển khoa học công nghệ phải đi đầu. Cần làm rõ vai trò của khoa học công nghệ trong sự phát triển kinh tế xã hội của TP là như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho sự tăng trưởng của TP chứ không nói chung chung. Phải đặt mục tiêu trong năm nay thu hút được bao nhiêu DN, nguồn vốn bao nhiêu, trong 5 năm tới là bao nhiêu, phải cụ thể”, ông Thăng nói.
Không chỉ trông chờ ngân sách
Bí thư Đinh La Thăng giao Sở KH-CN phải chủ trì xây dựng các cơ chế chính sách tạo sự phát triển cho KH-CN, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội.
“Đặc biệt nghiên cứu KH-CN phải gắn với thực tiễn sản xuất. Từ đó đề xuất một số thay đổi về thể chế chính sách, chứ với các thủ tục rườm rà như hiện nay thì từ ý tưởng đến sản xuất ra sản phẩm rất mất thời gian. Có khi chúng ta đang làm thủ tục, các nước người ta đã sản xuất ra sản phẩm rồi”, người đứng đầu Thành ủy phê bình.
Nghe Sở GTVT báo cáo hệ thống đường nối vào Khu công nghệ chậm. Điển hình như đường Vành đai II dài 4km vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng hiện đã chậm 5 năm, Bí thư Thăng yêu cầu các sở, ngành phải chủ động hơn nữa, kêu gọi, thu hút các nguồn vốn xã hội hóa chứ không trông chờ vào ngân sách.
Sau buổi làm việc, Bí thư đã đi thăm nhà máy của Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam và Công ty TNHH MTV Điện tử Samsung CE Complex.
Đoàn công tác của Thành ủy TP HCM làm việc với Ban quản lý Khu CNC TP HCM |
Báo cáo mới nhất của Ban quản lý Khu công nghệ cao cho thấy tính đến năm 2015, đã cấp 84 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 5.419 tỉ USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn có tên tuổi trên thế giới như Intel, Nidec, Samsung, Jabil, Datalogic, Sonion… Đến nay đã có 48 DN tại đây đi vào hoạt động, tạo tạo việc làm cho khoảng 24.000 người. Ngoài ra, Khu công nghệ cao thu hút nhiều dự án nghiên cứu, sản xuất từ Sanofi (Pháp), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch), Microchip (Mỹ)… đồng thời thu hút nhiều DN, viện nghiên cứu – đào tạo công nghệ uy tín trong nước như Tập đoàn FPT, Viện Công nghệ cao Hutech, Viện Dầu khí, Công ty TNHH CNSH Dược Nanogen, Công TNHH Thế giới Gen … |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận