Ngày 2/6, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các bí thư tỉnh, thành ủy sẽ là trưởng ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (ảnh minh họa)
Theo đó, chức năng, phạm vi chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh là chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn.
Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.
Về nguyên tắc, ban chỉ đạo cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; đồng thời, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể thảo luận, trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện. Hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh không làm cản trở hoạt động bình thường và không làm thay nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm có trưởng ban, phó trưởng ban và các ủy viên. Trong đó, bí thư tỉnh ủy, thành ủy là trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Các phó trưởng ban gồm: phó bí thư thường trực tỉnh, thành ủy; trưởng ban nội chính tỉnh, thành ủy; trưởng ban tổ chức tỉnh, thành ủy; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra tỉnh, thành ủy; giám đốc công an tỉnh, thành phố.
Trưởng ban nội chính tỉnh, thành ủy là phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Các ủy viên ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm: trưởng ban tuyên giáo, chánh văn phòng tỉnh, thành ủy; chánh án TAND, viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố; chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoặc Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM; giám đốc sở tư pháp, chánh thanh tra, chủ tịch ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố và phó trưởng ban nội chính tỉnh, thành ủy.
Quy định cũng nêu rõ, goài thành phần, cơ cấu nêu trên, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của ban chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư trước khi quyết định.
Thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm trưởng ban và các phó trưởng ban. Ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần. Thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ hằng tháng, họp đột xuất khi cần.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, trưởng ban quyết định triệu tập các phiên họp đột xuất của ban chỉ đạo, cuộc họp đột xuất của thường trực ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Quy định cũng nêu rõ, ban chỉ đạo cấp tỉnh có con dấu riêng theo quy định và sử dụng tài khoản của văn phòng tỉnh ủy, thành ủy để phục vụ hoạt động.
Kinh phí hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh do văn phòng tỉnh ủy, thành ủy bảo đảm theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận