Một góc TP.HCM |
TP. HCM rất quan trọng trong sự phát triển của Bình Thuận
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đánh giá, trong năm 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp đưa vào sử dụng hơn nhiều công trình giao thông. Nhờ đó Bình Thuận cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác công trình mở rộng như nâng cấp QL 1. Đặc biệt là đường cao tốc TP.HCM – Long Thành- Dầu Giây đưa vào hoạt động có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của tỉnh Bình Thuận và TP. HCM. Rút ngắn thời gian, chi phí và tạo mối giao thương tiện ích hơn giữa Bình Thuận với TP.HCM. Việc này đã mở ra năng lực cạnh tranh mới để thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển chung.
Ông Hùng nhận định, TP. HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Nam. Còn Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, cách TP.HCM 192 km, là cửa ngõ giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên về du lịch, cảnh quan tự nhiên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. |
Do vậy giữa TP.HCM - Bình Thuận vốn đã có sự liên kết khá toàn diện và chặt chẽ. Qua 11 năm (2005 – 2016) thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM- Bình Thuận đã đạt được những kết quả tiến bộ. Đến nay Bình Thuận đã tạo điều kiện thuận lợi cho 144 dự án của các doanh nghiệp TP HCM đầu tư ở Bình Thuận, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP HCM cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh Bình Thuận được nhiều nội dung quan trọng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, thương mại - dịch vụ, khoa học – công nghệ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội… “Tôi tin tưởng rằng, những sự thay đổi lớn về kết cấu hạ tầng giao thông sẽ là nhân tố quan trọng giúp Bình Thuận TP.HCM gần nhau hơn và sẽ cùng nhau phát triển mạnh hơn...”, ông Hùng nói.
Long An là khu đô thị vệ tinh của TP.HCM
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng Long An là cửa ngõ miền Tây quan trọng của TP.HCM. Nếu tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch năm 2018, cảng Long An đầu năm 2017 hoạt động thì tỉnh Long An sẽ phát triển rất nhanh và là khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Cũng theo ông Rạnh, TP.HCM vẫn luôn được biết tới là tiên phong trong việc triển khai nhiều chương trình đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong cả nước. Chính vì vậy, TP.HCM có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong liên kết vùng kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và khu vực. Long An là địa phương giáp ranh, do đó vai trò của TP.HCM lại càng quan trọng hơn; bên cạnh đó, vai trò của Long An cũng khá quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển của TP.HCM.
Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thử Tỉnh ủy Long An |
“Hiện nay, hai địa phương chúng tôi đang chuẩn bị nội dung để tổng kết toàn diện, để đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua và đề ra phương hướng liên kết, hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài các lĩnh vực hợp tác khác, dự kiến sắp tới hai địa phương sẽ huy động mọi nguồn lực, đồng thời kiến nghị Trung ương đầu tư các trục giao thông kết nối như: Mở rộng QL 1 đoạn nút giao An Lạc đến ranh Long An, trục động lực phía Tây - Nam TPHCM. Bên cạnh đó là các tuyến Vành đai III, Vành đai IV, tuyến Metro 3a - 3b, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, cầu Rạch Dơi…”, ông Rạnh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận