Nên có lộ trình mở cửa với các nước an toàn
Hôm nay, 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Phát biểu tại phiên họp sáng nay, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, hiện thế giới có 8.000.000 người nhiễm virus, tức là dịch thế giới đang tiếp tục gia tăng, không hề suy giảm. Còn tại Việt Nam, do những chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ sớm, kịp thời, từng địa phương lại vận dụng và thực hiện linh hoạt, chúng ta đã kiểm soát dịch tốt.
“Bây giờ chúng ta nên làm gì? Chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước, nhưng chỉ có 17 nước là đối tác quan trọng nhất. 17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch tới Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đề nghị, chúng ta cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình thỏa thuận 2 bên một cách thận trọng”, ông Nhân đề nghị.
Theo ông Nhân, có cơ sở thực hiện kiến nghị trên vì từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, thì 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị virus/1 triệu dân, đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hongkong, Đức, Úc… "Chúng ta cần phân công cụ thể để lập lộ trình mở cửa với 10 nước này; còn 7 nước khác hiện nay chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore… thì theo dõi để khi họ có điều kiện thiết lập ngay", đại biểu Nhân nói.
Theo ông Nhân, hiện dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 nhiều khả năng giảm 30% so với năm 2019, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%, vì vậy cần có điều chỉnh phù hợp.
Bí thư Thành ủy TP. HCM kiến nghị, với kết quả chống dịch của Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước mới 3 tiêu chí: một là tỷ lệ người nhiễm/1 triệu dân không quá 5 người, thực tế chúng ta có 3,4 người nhiễm/1 triệu dân; hai là tỉ lệ người đang phải điều trị không quá 1/1 triệu dân, thực tế chỉ là 0,2 người; ba là không có người chết.
“Bằng lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước sẽ vừa khai thác thị trường nước ngoài, đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh Việt Nam, đó là sức mạnh văn hóa, sức mạnh chính trị và sức mạnh kinh tế”, ông Nhân nói.
Nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai
Về kiến nghị mở cửa của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì hiện nay chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch làn sóng thứ hai đang treo lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có chúng ta, ví dụ bên cạnh chúng ta là Trung Quốc đang phải đối phó. Mặt khác, hiện nay các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng về việc vẫn chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần, với bằng chứng là thị trường chứng khoán vẫn chưa khởi sắc.
Theo đại biểu Hiếu, cần tiến hành biện pháp để khẳng định là nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác, các phương pháp này cần phải dựa vào khoa học do các ngành y tham vấn.
“Ví dụ như chúng ta cần phải làm nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn của Việt Nam, hay quy trình nhập cảnh của khách quốc tế vào Việt Nam là hết sức chặt chẽ, tuân theo quy định như kiểm dịch. Phối hợp với các nước bạn để chúng ta làm các xét nghiệm kháng thể cho các khách muốn nhập cảnh, thực hiện test nhanh và khi nhập cảnh thì phải làm xét nghiệm PCR để khách không mang virus vào Việt Nam”, đại biểu Hiếu gợi ý.
Đại biểu Hiếu cũng nhấn mạnh, hệ thống y tế công cộng đã phát huy hiệu quả rất rõ ràng trong đại dịch vừa qua, tuy nhiên hiện nay đang có nguy cơ suy yếu do chưa được đầu tư đúng mức. Lấy ví dụ ngay trong chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho y tế chỉ chiếm 3% trong tổng số 270.000 tỉ đồng, đại biểu Hiếu kiến nghị, nâng cao chất lượng cho các nhân viên y tế tuyến xã, tuyến huyện là nhu cầu cấp bách hiện nay. Vì vậy, cần có chiến lược đầu tư cho y tế rõ ràng, cụ thể để đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.
“Có như vậy nếu chúng ta đối mặt với các dịch bệnh mới xuất hiện thì Việt Nam vẫn sẽ có điểm sáng trên bản đồ thế giới”, đại biểu Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận