Bị cáo An tại phiên xét xử ngày 8/5 |
Hai tài xế mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả, một người đá móp cửa xe ô tô của người kia. Thiệt hại không lớn nhưng người đá móp cửa ô tô vẫn bị truy tố tội cố ý làm hư hỏng tài sản, dù hai bên đã thỏa thuận hòa giải bồi thường 40 triệu đồng.
Vẫn khởi tố dù nạn nhân bãi nại, nhận bồi thường
Theo cáo trạng, Nguyễn Văn An (SN 1978, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) và Nguyễn Văn Sáng (SN 1974, trú xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đều là những tài xế ô tô chở khách thuê.
Sáng 30/6/2017, một khách quen nhờ anh An tới trước cửa Công ty May Việt Hưng tại phường Trung Mỹ Tây đón đi Tây Ninh. Anh An lái xe ô tô BKS 51A-067.29 đến trước Công ty May Việt Hưng đón khách. Lúc này, Sáng đến chỗ An và nói “mày ra sau xếp tài sau”. Thấy vậy An trả lời “tao có khách thì tao đi”. Sau đó, anh An và anh Sáng gây gổ với nhau. An lấy chiếc ghế nhựa ở quán nước gần đó đánh vào người anh Sáng khiến anh này bị thương ở tay. Anh Sáng cũng cầm chai nước bằng thủy tinh đánh trúng tay anh An. Cùng lúc, anh An cúi xuống đường nhặt cục đá đánh Sáng thì Sáng bỏ chạy vào xe ô tô Fortuner BKS 51F-195.70.
Theo dự kiến, hôm nay (11/6), phiên tòa sẽ được TAND quận 12 mở lại. Theo luật sư Tú, thời gian qua, do việc áp dụng pháp luật đối với các vụ án xâm phạm quyền sở hữu vẫn còn tùy nghi, chưa đồng nhất nên đã có rất nhiều sự việc tương tự như vụ án này được đưa ra xét xử. Nhiều sự việc rất “bé lại xé ra to”, nghiêm trọng hóa những hành vi chưa cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây ra nhiều bức xúc cho người dân. Bên cạnh, hành vi giơ chân vào chiếc xe của bị cáo An xuất phát từ lỗi của hai bên, tức là có phần lỗi anh Sáng. Thế nhưng, anh Sáng lại nghiễm nhiên trở thành bị hại, riêng bị cáo An bị truy tố trách nhiệm hình sự. |
Sau đó, An điều khiển ô tô đi về Công ty Nam Quang Minh (khu phố 5, phường Trung Mỹ Tây), anh Sáng điều khiển ô tô BKS 51F-195.70 chạy theo sau. Khi đi đến khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, anh An cho xe dừng lại rồi xuống xe dùng tay vẫy ra tín hiệu cho anh Sáng dừng xe, nhưng Sáng không dừng lại mà chạy vượt lên. Khi ô tô BKS 51F-195.70 chạy ngang qua, anh An dùng chân phải đạp vào cửa trước phía bên phải ô tô làm móp cửa xe của anh Sáng.
Sau khi sự việc xảy ra, anh Sáng điều khiển xe đến Công an phường Trung Mỹ Tây, quận 12 trình báo. Tại cơ quan công an, tài xế An và tài xế Sáng đã khai nhận toàn bộ hành vi như đã nêu trên. Đến ngày 3/7/2017, Cơ quan CSĐT Công an quận 12 ra quyết định trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích đối với Nguyễn Văn An và Nguyễn Văn Sáng. Tuy nhiên, anh Sáng đã từ chối giám định tỷ lệ thương tích, làm đơn bãi nại và không yêu cầu xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích đối với anh An. Được biết, trước khi CQĐT khởi tố vụ án, 2 tài xế đã thỏa thuận hòa giải, anh An bồi thường cho anh Sáng 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo kết luận của CQĐT, hành vi dùng chân đạp vào cánh cửa trước phía bên phải xe ô tô BKS 51F-195.70 của anh An làm móp cửa xe, gây hư hỏng về tài sản, thiệt hại theo kết quả định giá 5.170.000 đồng. Cơ quan công an cho rằng, hành vi này đã xâm hại đến tài sản của người khác, gây ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Ngày 12/9/2017, CQĐT Công an quận 12 ra quyết định khởi tố bị can đối với anh An về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.
“Chuyện bé xé ra to”?
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền lợi cho anh An cho rằng, đây chỉ là vụ việc nhỏ nhưng phải đưa ra tòa đến 3 lần vẫn chưa được giải quyết xong. “Lần 1 toà không xử được vì có nhiều thiếu sót nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Lần thứ 2, HĐXX hoãn phiên tòa với lý do thay đổi kiểm sát viên trẻ bằng một kiểm sát viên có kinh nghiệm. Điều này được hiểu rằng, các cơ quan tố tụng quận 12 đã nhìn nhận vụ án phức tạp nên tăng cường các cán bộ có kinh nghiệm để làm sao giải quyết vụ việc đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, luật sư cho biết.
Đến ngày 8/5 vừa qua, tòa mở lại phiên xét xử sơ thẩm, nhưng cũng đã tuyên trả hồ sơ. Tại phiên tòa đó, luật sư tranh tụng về vấn đề định giá tài sản tang vật. Luật sư Tú dẫn giải, theo luật định, tang vật vụ án phải được lập biên bản ngay, cho xe vào kho tạm giữ để đợi cơ quan định giá đến định giá. Còn đằng này, CQĐT cho đương sự đánh xe về nhà, sau đó đến tối cùng ngày mới đưa ra hiện trường thực nghiệm, chụp ảnh. Trong khi đó, dựa vào thông tin báo giá của một số hãng xe, chi phí sửa cánh cửa ô tô bị móp trên thực tế là rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng và vết móp đó có thể phục hồi lại được bằng phương pháp thủ công, thậm chí có thể dùng tay chỉnh lại để phục hồi mà không cần sửa chữa.
“CQĐT định giá hơn 5 triệu đồng cho một vết móp không xước sơn liệu có khách quan, chính xác? Hay việc định giá này đưa ra cho phù hợp việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý hình sự đối với tài xế. Trong vụ án này, người được xác định có lỗi đã biết lỗi, chủ động bồi thường đến 40 triệu đồng và bị hại không có khiếu nại gì cả. Thậm chí, sau khi xảy ra sự việc, anh Sáng và anh An thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhau như những người bạn”, luật sư Tú cho hay.
Theo luật sư, các cơ quan tố tụng còn rất nhiều việc phải làm, chứ không nhiều thì giờ để chú tâm vào những vụ việc nhỏ như trên. Tuy nhiên, với một thiệt hại rất nhỏ như vậy nhưng không hiểu lý do vì sao các cơ quan tiến hành tố tụng rất “nhiệt tình” vào cuộc định giá, điều tra, truy tố, xét xử, chi phí tốn kém cả hàng tỷ đồng ngân sách Nhà nước chỉ để xử lý việc gây ra vết móp trên cửa xe ô tô có giá trị chỉ vài triệu đồng. “Nếu xét về lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội thì có cần thiết phải giải quyết vụ việc như vậy không. Tôi nghĩ rằng không, vì căn cứ buộc tội là không đủ, việc này đã gây khó khăn cho chính HĐXX. Luật pháp vị luật pháp nhưng luật pháp cũng phải vị nhân sinh. Giải quyết vụ án theo cách cứng nhắc như vậy không ổn chút nào”, luật sư nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận