Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden
Thời gian này, chính phủ Mỹ đang chạy đua với thời gian, thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, chuyển giao chính trị, sẵn sàng cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong 20 ngày tới.
Tuy nhiên, đội chuyển giao của ông Biden nhiều lần lên tiếng vì gặp nhiều khó khăn, cản trở, thiếu hợp tác trong quá trình thực hiện.
Mới nhất, ngày 29/12, theo giờ VN, sau cuộc gặp với đội chính sách ngoại giao, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden bức xúc: “Chúng tôi phản đối những rào cản từ ban lãnh đạo tại Bộ Quốc phòng và Văn phòng quản lý, ngân sách”, trong chính quyền hiện tại của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
“Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được toàn bộ thông tin cần thiết từ chính quyền sắp mãn nhiệm về các lĩnh vực an ninh quốc gia quan trọng. Theo quan điểm của tôi, đó không phải thiếu sót mà là vô trách nhiệm” – ông Joe Biden nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên ông Biden chỉ trích cách làm việc trong quá trình chuyển giao chính trị của chính quyền Trump. Đầu tháng này, đội chuyển giao của Biden cho biết, họ bị cản trở khi yêu cầu thông tin từ một số quan chức Lầu Năm Góc.
Thời điểm đó, phía Bộ Quốc phòng Mỹ cực lực phản đối. Một quan chức quốc phòng cấp cao khẳng định Lầu Năm Góc đã thực hiện 163 cuộc phỏng vấn, 181 yêu cầu thông tin và sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, gặp mặt theo yêu cầu hợp lý từ phía ông Biden.
Sau gần 1 tháng, hôm nay, Tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục phải nói lại về vấn đề này. Ông Biden nói: “Đội ngũ của tôi cần nhìn rõ bức tranh tổng thể về tương quan lực lượng Mỹ so với toàn thế giới và những chiến dịch chống địch. Chúng tôi cần nhìn toàn diện kế hoạch ngân sách đang được triển khai tại Bộ Quốc phòng cùng một số cơ quan khác để tránh nhầm lẫn hoặc bỏ lỡ bất cứ điều gì mà các đối thủ có thể lợi dụng khai thác”.
Nhưng trong quá trình hợp tác, ông Biden nhận thấy: “Sự thật là nhiều bộ máy quan trọng với an ninh Mỹ bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều cơ quan mục ruỗng cả về nhân sự, năng suất và đạo đức. Rất nhiều quy trình chính sách bị nới lỏng hoặc bỏ hẳn dẫn đến sự tuyệt vọng của các đồng minh”.
Khi nhậm chức, ông Biden sẽ phải kế thừa toàn bộ những thách thức an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao rộng lớn bao gồm nhiều vấn đề liên quan tới Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và tình hình dịch bệnh lây lan toàn cầu.
Một trong những nhiệm vụ khó nhằn nhất là củng cố lại các mối quan hệ liên minh của Mỹ vốn đã bị rạn nứt theo quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” của Tổng thống Trump.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận