Hỏi - Đáp

Biển báo hạn chế tốc độ vẫn "hành" lái xe

17/09/2014, 15:37

Dù Cục QLĐB IV xác nhận đã tháo dỡ toàn bộ 261 biển hạn chế tốc độ dưới 40 km/h trên toàn hệ thống quốc lộ ở phía Nam, đồng thời cũng điều chỉnh lại 44 biển báo hạn chế tốc độ.

Biển hạn chế 40km/h (chụp 16h38 ngày 9/9 tại QL1A xã Long Hưng - Châu Thành - Tiền Giang)
Biển hạn chế 40km/h (chụp 16h38 ngày 9/9 tại QL1A xã Long Hưng - Châu Thành - Tiền Giang)


Lái xe ức chế trên đường đẹp


Đầu tháng 9, PV Báo Giao thông thực tế trên QL1 xuất phát từ TP HCM đi Cần Thơ. Mặt đường QL1 sau khi cải tạo từ ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) đi cầu Mỹ Thuận khá tốt, tốc độ xe ô tô cao nhất được cho phép là 80 km/h, tuy nhiên khi ngang qua địa bàn ấp Long Lợi, xã Long Hưng, Châu Thành, Tiền Giang tài xế phải phanh khựng lại vì gặp biển báo tốc độ 40 km/h. Biển hạn chế tốc độ này đặt trước cầu Kinh Xáng nhưng do các hộ buôn bán ven đường quây dù che khuất nên chỉ trong vòng 30 phút đã có hàng chục ô tô vẫn duy trì tốc độ khoảng 60 - 70 km/h vụt qua.


Qua tìm hiểu, tháng 12/2013, dự án cầu Kinh Xáng được đưa vào sử dụng nhưng chỉ cho lưu thông một chiều từ hướng Cần Thơ - TP HCM, còn hướng ngược lại thì vẫn sử dụng cầu Kinh Xáng cũ. Biển hạn chế tốc độ 40 km/h được cắm để hạn chế tốc độ xe đi hướng TPHCM - Cần Thơ vào cầu Kinh Xáng cũ. Nay đường từ chân cầu mới rẽ phải vào cầu cũ đã xong, mặt đường khá rộng, không có trở ngại giao thông nhưng vẫn cắm biển 40 km/h là bất hợp lý. 


Tương tự, từ ngã ba Trung Lương, QL1A hướng Mỹ Tho - TP HCM, đoạn rẽ trái để vào đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, đường rộng 4 làn xe nhưng vẫn còn biển hạn chế tốc độ 40 km/h. Khoảng 18h ngày 12/9, trong vòng 30 phút, PV ghi nhận tại đây hầu hết xe lưu thông đều chạy với tốc độ từ 60 km/h trở lên, không xe nào chạy đúng tốc độ 40 km/h như quy định. 


Để làm sáng tỏ những ý kiến phàn nàn về sự cắm biển hạn chế tốc độ bất hợp lý mà nhiều lái xe đi đường Vành đai II lên cao tốc TP HCM - Long Thành phản ánh, PV dùng ô tô đi với tốc độ 40 km/h xuất phát từ đầu đường Đồng Văn Cống đi Vành đai II để lên cao tốc chỉ dài hơn 2 km nhưng mất đến 8 phút, trong khi từ Vành đai II đi Long Thành chỉ mất khoảng 20 phút.


Nhiều tài xế tuyến TP HCM - Vũng Tàu bức xúc, đoạn đường này bị hạn chế tốc độ nên CSGT “canh me” 24/24h để bắn tốc độ. 


Cắm biển tốc độ giảm dần để bảo đảm ATGT


Nghiên cứu của Tổng cục Đường bộ Mỹ chỉ ra rằng, nếu người lái phải đột ngột thay đổi tốc độ trong phạm vi dưới 8 km/h thì mức độ nguy hiểm thấp. Còn nếu thay đổi từ 8-24 km/h thì sẽ gây mức nguy hiểm trung bình, còn thay đổi tốc độ lớn hơn 24 km/h thì mức nguy hiểm rất cao. Như vậy, so với nghiên cứu này, thì việc cấm biển hạn chế tốc độ của Việt Nam hiện nay cụ thể là đột ngột từ 80 xuống còn 40 km/h như chúng tôi phản ánh ở trên là gây nguy hiểm rất cao. Để khắc phục, nếu bắt buộc phải hạn chế tốc độ thì trước biển báo 40 km/h cần phải đặt các biển báo hạn chế tốc độ giảm dần. Đơn cử, tuyến đường tốc độ tối đa cho phép từ 70 km/h trước khi cắm biển hạn chế tốc độ 40km/h nên cắm thêm biển thông báo trung gian 50 km/h để lái xe chủ động điều chỉnh tốc độ phù hợp bảo đảm ATGT. Chính vì lý do này, tại buổi làm việc cuối tuần trước tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã yêu cầu Cục QLĐB IV xử lý tận gốc biển hạn chế tốc độ, nếu vị trí là điểm đen TNGT thì phải xử lý điểm đen đó và dỡ bỏ biển hạn chế tốc độ bất hợp lý. 

Minh Nghĩa
                                                  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.