Kịch bản tồi tệ nhất: Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,3%
Theo hãng tin AFP, tác động kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron và khả năng chống lại biến chủng của các loại vaccine.
Đồng nghĩa, với kịch bản khả quan nhất, các nhà kinh tế cũng đang phải điều chỉnh lại dự báo kinh tế năm 2022 theo hướng đi xuống.
Tổ chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng trong năm tới là 4,9% nhưng suốt nhiều tháng qua luôn nhấn mạnh rằng, virus SARS-CoV-2 và các biến chủng vẫn là mối đe dọa hàng đầu.
“Nếu Omicron chỉ gây các “triệu chứng tương đối nhẹ” và vaccine vẫn phòng vệ hiệu quả, tác động kinh tế có thể sẽ “khiêm tốn”, chỉ giảm khoảng 0,25% so với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022”, ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức tư vấn kinh tế độc lập Oxford Economics cho biết.
Tình hình chứng khoán được dự báo sẽ thất thường trong vài tuần tới
Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, trong đó Omicron cực kỳ nguy hiểm, lây lan trên diện rộng khiến thế giới buộc phải rơi vào tình cảnh hạn chế đi lại như trước, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể giảm còn 2,3% so với dự báo 4,5% mà Oxford Economics đưa ra trước khi biến chủng xuất hiện.
Trong kịch bản đó, không thể chắc chắn các chính phủ đã chi nhiều gói cứu trợ hàng nghìn tỷ USD từ đầu dịch đến nay, sẽ sẵn sàng tung thêm những gói cứu trợ tương tự, đặc biệt là khi vaccine đã có sẵn, cũng theo ông Daco.
Còn chuyên gia Erik Lundh, nhà kinh tế thuộc Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận The Conference Board chỉ ra, ngoài các biện pháp phòng dịch của các chính phủ, còn có tâm lý e ngại của người dân (kéo theo hạn chế hoạt động kinh tế, giảm ăn uống bên ngoài, giảm tiêu dùng), tất cả đều ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế.
Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng
Nguy cơ thứ 2 đó là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trầm trọng hơn.
Ông Lundh chỉ ra, thực tế, nhiều máy bay vận tải hành khách đang chở kèm hàng hóa nên nếu có chuyến bay bị hủy, nhu cầu vận tải hành khách giảm sút thì khả năng vận tải hàng chắc chắn sẽ giảm. Khi hàng hóa khan hiếm, áp lực lạm phát càng tồi tệ.
“Ngoài ra, làn sóng lây nhiễm Omicron có thể khiến một số lao động phải tạm nghỉ, cản trở các lao động khác quay trở lại làm việc, khiến tình hình thiếu hụt lao động hiện nay thêm trầm trọng”, ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Công ty Capital Economics nhấn mạnh.
Cùng lúc, ông Shearing chỉ ra, mối đe dọa từ biến chủng Omicron có thể khiến các ngân hàng Trung ương “trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất cho đến khi bức tranh kinh tế sáng rõ hơn”.
Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tổ chức họp với nhiều cơ quan khác như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào ngày 15/12 và Ngân hàng Anh vào ngày 16/12.
Các nhà sản xuất vaccine đều thông báo đã bắt đầu tìm hiểu về biến chủng mới để đánh giá mức độ bảo vệ của vaccine cũng như chế xuất vaccine mới phù hợp hơn. Dự kiến, phải mất vài tuần mới có thêm thông tin chính xác.
“Mỗi lần quay trở lại bầu không khí bất ổn, lo sợ là một lần khả năng hồi phục kinh tế chậm lại”, nhà kinh tế Daco nói.
Chứng khoán thất thường
Ngay khi Nam Phi và các chuyên gia y tế trên thế giới công bố thông tin về biến chủng Omicron, thị trường chứng khoán toàn cầu nhanh chóng chứng kiến tình trạng bán tháo.
Chứng khoán tại Mỹ và châu Âu đã lên xuống thất thường trong 2 ngày đầu tuần này khi thứ Hai vừa phục hồi thì thứ Ba lại xuống thấp.
Hãng tin CNBC dẫn lời các chiến lược gia và các nhà kinh tế dự báo, vài tuần tới, các thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng bấp bênh và giới đầu tư không nên hành động vội vàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận