Thời sự

Biển Đông bị Trung Quốc tàn phá thế nào?

12/10/2016, 09:23
image

Các hoạt động phi pháp của Trung Quốc khiến Biển Đông bị hủy hoại, tàn phá nặng nề.

2

Các học giả quốc tế tại hội thảo "An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh"

Tại hội thảo khoa học quốc tế mang tên “An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh” tổ chức tại Hải Phòng, chủ đề Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp tại Biển Đông được các học giả quốc tế phân tích, thảo luận kỹ. Các đại biểu thống nhất cho rằng, Biển Đông đang phải đối mặt với các thách thức ngày càng gia tăng về an ninh môi trường biển; an toàn, an ninh và tự do hàng hải, hàng không.

Theo tiến sĩ McManus, Đại học Miami (Mỹ) hệ sinh thái phía nam Biển Đông đang bị tàn phá nặng nề, chủ yếu do các hoạt động của Trung Quốc. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Các tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để đánh bắt sò khổng lồ”, ông nói.

Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo tại khu vực Trường Sa; đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản trên biển Đông, bao gồm việc đóng cửa theo mùa và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc phải xin phép đánh bắt cá trên biển. Trong khi đó, Trung Quốc có 50.000 tàu khai thác thủy sản, được trợ cấp nhiên liệu đánh bắt dài ngày; nhiều tàu cá đã tới khu vực Trường Sa đào bới các rạn san hô để bắt sò khổng lồ.

TS McManus nói rằng, ít nhất 160km2 rạn san hô đã bị hư hại, trong đó 17km2 bị hư hại lâu dài do hoạt động nạo vét xây dựng đảo nhân tạo, 143km2 bị hư hại do hoạt động nạo vét cát và đào bới sò khổng lồ. Theo ông, các nước liên quan nên sớm thiết lập công viên biển hòa bình trên biển Đông.

Giáo sư Go ITO - giáo sư về quan hệ quốc tế Trường Đại học Meiji (Nhật Bản) khẳng định: “Quan niệm về an ninh trong khu vực hàng hải có thể được chia làm 3 yếu tố: Tự do hàng hải, khu vực đặc quyền kinh tế và quyền sở hữu lãnh thổ. Trong tranh luận về quyền sở hữu lãnh thổ (hoặc hàng hải), Trung Quốc thường nói rằng Mỹ và Nhật Bản là các bên nằm ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, tuyên bố này không được chấp nhận nhìn từ quan điểm tự do hàng hải kể từ khi Biển Đông trở thành một nơi mà số lượng lớn các phương tiện qua lại mỗi ngày để vận chuyển hàng hóa và các loại dịch vụ hậu cần. Logic về an ninh hàng hải không chỉ là quyền sở hữu mà còn bao gồm các yếu tố còn lại”.

Hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một biển Đông xanh” tổ chức từ ngày 11/10 và sẽ kéo dài đến hết hôm nay (12/10) tại Tp. Hải Phòng. Hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hải Phòng và Hội Thiên nhiên và môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam tổ chức. Hội thảo quy tụ 150 đại biểu trong nước và quốc tế, đều là các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý quốc tế và trong nước có chuyên ngành chuyên sâu về tài nguyên và môi trường biển, về an toàn hàng hải và hàng không, về luật biển quốc tế và đã có những quan tâm, nghiên cứu tình hình Biển Đông hiện nay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.