Lính Trung Quốc hiện diện trái phép trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam |
Hôm nay, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á thường niên - Đối thoại Shangri La 2016 khai mạc tại Singapore. Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề bao trùm tại hội nghị lần này bởi trước thềm cuộc đối thoại, khu vực này có nhiều diễn biến phức tạp.
Philippines thay đổi?
Tiến sỹ Tim Huxley - Giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS) thừa nhận, trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại Shangri La năm nay đã có nhiều dự đoán về tình hình biển Đông, nhất là trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philipines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trên biển Đông.
Hãng tin Reuters nhận định, Shangri La 2016 là cơ hội cuối cùng để Philippines và Trung Quốc tranh thủ sự ủng hộ trước khi PCA ra phán quyết; Đồng thời sẽ làm rõ lập trường, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc trước phán quyết sắp tới. Các chuyên gia an ninh hy vọng Mỹ sẽ thuyết phục được các nước Đông Nam Á, cùng các nước như Ấn Độ và Nhật Bản công khai hỗ trợ các phán quyết mang tính tích cực cho Philippines. “Giá trị của phán quyết là những thiệt hại lâu dài về danh tiếng và áp lực lên Trung Quốc. Điều đó chỉ xảy ra khi có một liên minh vững chắc”, Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Hàng hải minh bạch tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington cho hay.
Tuy nhiên, trước thềm Đối thoại, Philipines có một động thái bất ngờ khi Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho rằng, mối quan hệ giữa Philipines và Trung Quốc cần được cải thiện: “Chừng nào Trung Quốc tuân thủ quy định luật pháp, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo đảm quan hệ hữu nghị giữa hai nước mạnh mẽ hơn”.
Ông Yasay cũng khẳng định, Manila sẽ tôn trọng bất cứ phán quyết nào được PCA đưa ra; tuy nhiên, ông này cũng cho rằng đàm phán song phương giữa Philippines và Trung Quốc có thể giúp hóa giải những tranh chấp ở biển Đông. Tuyên bố của ông Yasay được cho là sự chùn bước của Philippines trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. Ngoài ra, ông Yasay nói thêm rằng, sẽ không xa rời đồng minh an ninh Mỹ, song không chấp nhận làm “tay sai” nước ngoài.
Video cận cảnh 2 máy bay tuần tra cánh bằng hạ cánh Trường Sa:
Trung Quốc đã có phương án ADIZ
Trong khi đó, Trung Quốc lại hoàn toàn không có dấu hiệu muốn dừng các cuộc tranh chấp. Tạp chí Kanwa Defense Review ngày 1/6 cho biết, Trung Quốc đã xác định khu vực thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, đồng thời cho biết, thời gian công bố chỉ thuần túy là quyết định chính trị.
Dự kiến, ADIZ sẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc tuyên bố đối với đảo Phú Lâm và 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa hoặc phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của những đảo này. Như vậy, ADIZ trên biển Đông của Trung Quốc sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Trong một diễn biến liên quan, Đài RFI (Pháp) cho biết, Bắc Kinh đã hoàn chỉnh phương án thiết lập ADIZ, song chỉ tuyên bố trong trường hợp Mỹ có các “hành động khiêu khích”. Trung Quốc lâu nay vốn tức giận trước những quan điểm và việc Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra quân sự gần các đảo tranh chấp. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng đề cập tới thời điểm công bố lập ADIZ sẽ tùy vào mức độ các mối đe dọa trên không mà Bắc Kinh đối mặt.
Quan điểm của Việt Nam: Giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bìnhThứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á Shangri La từ ngày 3 - 5/6 ở Singapore. Bộ Ngoại giao cho biết, tại đây, Việt Nam sẽ nêu rõ quan điểm nhất quán bấy lâu nay về biển Đông đó là giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trang Trần |
Về phần mình, Mỹ cương quyết khẳng định sẽ không bao giờ công nhận một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Gần đây nhất, ông Robert Work, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc lại sẽ không công nhận một vùng cấm tương tự trên biển Đông như đã từng không công nhận ADIZ trên Biển Hoa Đông hồi 2013.
Đối thoại Shangri La năm nay quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định, sẽ tham dự, bao gồm các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore.
Phái đoàn Trung Quốc lần này cũng được đánh giá là hùng hậu khi Trưởng đoàn tiếp tục là Phó Tổng tham mưu trưởng Tôn Kiến Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến phát biểu trong ngày họp 4/6. Trong khi Trưởng đoàn Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu trong ngày họp 5/6, cũng là ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc”.
Tiến sỹ Tim Huxley cho rằng, tại diễn đàn lần này cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ cố gắng kiềm chế giống như họ từng thể hiện năm 2015 bởi cả hai đều nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận