Tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu một giải pháp ngoại giao cho vấn đề biển Đông |
Tôn trọng luật pháp và chuẩn mực quốc tế
Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích trước đó, tình hình căng thẳng trên biển Đông tại đối thoại lần này trở nên nóng hơn, đặc biệt là sau khi báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (Hong Kong) đưa tin Bắc Kinh có thể thiết lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển này.
Tại đối thoại, trước mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi nỗ lực chung nhằm tìm một giải pháp ngoại giao, tôn trọng luật pháp và chuẩn mực quốc tế cho tình hình căng thẳng leo thang tại biển Đông. Ông Kerry nêu rõ không thể giải quyết vấn đề trên bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng. Ông bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Trước đó, trong chuyến công du Mông Cổ ngày 5/6, ông Kerry tuyên bố nếu Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở biển Đông, Washington sẽ coi đó “hành động gây hấn và gây bất ổn”.
Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh muốn giải quyết giữa các nước có liên quan. Tuy nhiên, ông Kerry cho rằng, Mỹ không phải là bên tranh chấp, nhưng có lợi ích ở biển Đông và cảnh báo phải dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp.
Trước đó, phát biểu khai mạc Đối thoại, ông Tập Cận Bình cho rằng “Trung Quốc và Mỹ cần tăng sự tin tưởng lẫn nhau”, kêu gọi nỗ lực gấp đôi để giải quyết các xung đột và tránh “những đánh giá sai lầm về chiến lược”. Ông Tập cho rằng, Thái Bình Dương rộng lớn không nên trở thành đấu trường cho sự kình địch mà nên là vũ đài lớn cho sự hợp tác toàn diện.
Cần thêm nhiều đối thoại
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều bất đồng trong một loạt các vấn đề, hai nước cần tổ chức thêm nhiều cuộc đối thoại chiến lược để giải quyết những mối quan tâm chung và thu hẹp một cách phù hợp những bất đồng. Ông Ruan Zongze, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc và Mỹ đều có những mối lo ngại về nhau.
Ví dụ như, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc Mỹ sẽ làm gì trên biển và muốn biết mục đích họ làm điều đó là gì cũng như những động thái tiếp theo mà Mỹ sẽ làm. Mặt khác, phía Mỹ cũng có những quan điểm riêng về chính sách của Trung Quốc trên biển Đông. Ngoài vấn đề hàng hải, Trung Quốc và Mỹ cũng có những mối lo ngại chung về vấn đề an ninh quốc tế, an ninh mạng, chống khủng bố, giải trừ hạt nhân...”.
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ cũng hối thúc Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6/1 và liên tiếp thử tên lửa đạn đạo sau đó. Về vấn đề này, ông Tập Cận Bình cho rằng, hai bên đã có thể duy trì sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác trong việc giải quyết các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Vấn đề đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc, giới phân tích cho rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc và cả khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng sẽ nằm trong nội dung thảo luận tại đối thoại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng cắt giảm sản lượng thép dư thừa vì cho rằng đây là vấn đề đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Ngoài ra Trung Quốc và Mỹ cũng cần tìm kiếm sự hợp tác có lợi cho cả 2 bên trên nhiều lĩnh vực.
Trung Quốc bất ngờ “tử tế” với tàu cá Philippines Hôm qua, trong bối cảnh Tòa Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ kiện chủ quyền, Trung Quốc đột nhiên không còn động thái “gây khó dễ” tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough. Theo SCMP, các tàu hải cảnh Trung Quốc không có bất cứ hành động gì khi các tàu cá Philippines tiến hành khai thác ở vùng biển tranh chấp xung quanh bãi cạn Scarborough. “Động thái này được cho là nhằm “lấy lòng” tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa đắc cử”, một cố vấn quân sự Philippines cho biết và nói thêm, các tàu cá Philippines đã buông neo ở khu vực này gần 3 tuần qua mà không… hề hấn gì. Giới phân tích cho rằng, đây là biểu hiện của việc Bắc Kinh muốn “lấy lòng” ông Duterte, sau cuộc hộikiến của Đại sứ Trung với tân Tổng thống Duterte ở Manila mới đây. Đặc biệt, SCMP, dẫn nguồn tin thân cận của hải quân Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đang cố gắng tỏ ra mềm mỏng với Manila, trước khi Tòa trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện trên biển Đông do Philippines đứng đơn. “Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở The Hague, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, và đây chính là lý do chủ yếu cho sự nhượng bộ của Trung Quốc với tàu cá Philippines trong bãi cạn Scarborough”, nguồn tin cho hay. Cùng ngày, người đứng đầu cơ quan phụ trách quốc phòng của Đài Loan (Trung Quốc) khẳng định, hòn đảo này sẽ không chấp nhận cái gọi là ADIZ mà Bắc Kinh dự kiến tuyên bố trên biển Đông, theo Reuters. Cơ quan phụ trách quốc phòng đảo Đài Loan cảnh báo, việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ADIZ trên biển Đông có thể làm dấy lên căng thẳng trong khu vực. Khả Ngân |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận