Hạ tầng

Biên Hòa loay hoay chống ngập

31/05/2016, 13:07

Chỉ sau một trận mưa lớn, nhiều tuyến đường ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) biến thành sông, khiến giao thông hỗn loạn.

11

Nhiều tuyến đường nội ô TP Biên Hòa (Đồng Nai) biến thành sông sau trận mưa lớn

Điệp khúc hễ mưa là ngập

Dù mới đầu mùa mưa năm 2016, cũng chỉ trải qua vài cơn mưa lớn, nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã bị ngập sâu như: Đồng Khởi, Phạm Văn Thuận, Bùi Trọng Nghĩa, ngã tư Vũng Tàu... Có khi nước ngập tới nửa bánh xe máy, khiến phương tiện chết máy la liệt

Đáng ngại, những cơn mưa thời gian qua thường trùng vào giờ cao điểm nên gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đơn cử tuyến QL1 đoạn qua Bệnh viện T hống Nhất (TP Biên Hòa) nước ngập sâu và kéo dài hàng trăm mét. Vào thời điểm đó, cả nghìn công nhân đang đổ ra đường đã khiến giao thông ùn ứ nhiều giờ. Bà Lê Thị Ánh, nhà ở khu vực ngã tư Vũng Tàu ngao ngán: “Tôi ở đây đã hơn 40 năm, nhưng chưa bao giờ thấy TP Biên Hòa ngập nặng như lúc này. Hễ mưa là ngập. Ngập bây giờ là nỗi ám ảnh của bà con khu vực này”.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng Đồng Nai, thời gian qua mỗi lần mưa xuống là gây ngập úng trên diện rộng. Qua khảo sát, trên địa bàn TP Biên Hòa có tới 25 điểm ngập úng. Cụ thể như: Đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn từ cầu Săn Máu đến nhà sách Đồng Nai), ngã năm Biên Hùng, đường Phạm Văn Thuận, đường Đồng Khởi, giao lộ Trần Quốc Toản - Vũ Hồng Phô, khu vực cầu Săn Máu, cầu Xóm Mai…

Ngoài những điểm ngập trên, những tuyến đường vùng ven cũng thường xuyên ngập úng cục bộ như: Xã Phước Tân, ấp Miễu, ấp Tân Cang, ấp Vườn Dừa gần Sông Buông. Một số vị trí trên các tuyến quốc lộ cũng bị ngập nặng như: QL1K đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Hang (xã Hóa An); QL1 khu vực cống Lăng Xèng. Trên QL51 xuất hiện điểm ngập cầu Đen (KP 1, phường Long Bình); Khu vực ngã tư Vũng Tàu, ấp 3 gần khu tái định cư Sơn Tiên (xã An Hòa).

Khẩn trương tìm vốn chống ngập

Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để chống ngập cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt cần rà soát cho nạo vét, khơi thông dòng chảy; Xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước với đường kính đủ để thu gom được toàn bộ lượng nước tại các vị trí ngập. Sở Xây dựng đang tiếp tục làm việc với Nhật Bản sớm triển khai hệ thống thoát nước và xử lý nước thải bằng nguồn vốn ODA (do Trung tâm Thoát nước, thuộc Sở Xây dựng làm chủ đầu tư).

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, tỷ lệ bê tông hóa cao làm hàm lượng nước mưa thẩm thấu giảm, khiến nước bề mặt chảy vào khu dân cư gây ngập. Cùng đó, hệ thống cống thoát nước mưa hiện có đã cũ và chắp vá, không đáp ứng được việc tiêu thoát nước. Cùng đó, tình trạng lấn chiếm sông, suối, ao, hồ, kênh rạch, xả rác bừa bãi, khiến nước không thoát được xuống cống. 

“Hiện, phái đoàn thẩm định của Nhật Bản đang tiến hành thẩm định dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Biên Hòa. Khả năng cuối tháng 12 sẽ tiến hành ký hiệp đinh vay vốn ODA để thực hiện”, ông Hoàng thông tin.

Ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho rằng, việc thoát nước, chống ngập phải thực hiện đồng bộ để tránh tình trạng chống ngập được chỗ này lại phát sinh ngập ở điểm khác. Trước tình trạng ngập thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã bố trí nguồn vốn để khẩn trương chống ngập, không chờ nguồn vốn ODA của JICA. Hiện, dự án suối Săn Máu đang trong quá trình thi công, theo kế hoạch đến năm 2017 sẽ hoàn thành.

“Trước mắt, sẽ đấu nối một số điểm ngập cục bộ ra dòng suối này để tiêu thoát nước ra sông Đồng Nai nhằm chống ngập cấp bách”, ông Liêm nói và cho biết thêm, về quy hoạch lâu dài, thực hiện theo nguồn vốn ODA phải xử lý hệ thống thoát nước chung của toàn TP. Tuy nhiên, trong khi chờ nguồn vốn này, cần khơi thông, mở rộng thêm hệ thống thoát nước. Có vậy tình trạng ngập úng ở nội ô Biên Hòa mới được xử lý.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.