Thời sự Quốc tế

Biện pháp trừng phạt nào của phương Tây khiến Nga e sợ nhất?

29/01/2022, 06:02

Khả năng bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề với Nga và đây là đòn trừng phạt Moscow e ngại nhất.

Thời gian qua, các nước phương Tây thường xuyên đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ với Nga trong trường hợp nước này tấn công Ukraine. Trong đó, biện pháp loại Nga khỏi SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, dường như là biện pháp trừng phạt khiến Moscow e ngại nhất, được coi như "biện pháp trừng phạt chủ chốt" đối với Nga.

Nhiều nghị sĩ Mỹ cho biết Nga có thể bị loại khỏi SWIFT, mạng lưới kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên khắp thế giới. Đáp lại, một số nghị sĩ Nga cho rằng việc xuất khẩu dầu, khí đốt và kim loại từ Nga sang châu Âu sẽ không thể thực hiện nếu Nga bị loại khỏi SWIFT.

“Nếu Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng bên mua, bao gồm các nước châu Âu, cũng sẽ không nhận được hàng hóa từ chúng tôi như dầu, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác”, Phó chủ tịch Thượng viện Nga Nikolai Zhuravlev cho biết ngày 25/1.

img

Bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT có thể là đòn trừng phạt nặng nề với Nga.

SWIFT là gì?

SWIFT được thành lập từ năm 1973, hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi yêu cầu thanh toán và tin nhắn bảo mật. Vì không có hệ thống tương tự được chấp nhận trên toàn cầu, SWIFT đóng vai trò vô cùng quan trọng với tài chính thế giới.

Việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính không thể gửi tiền vào hoặc rút tiền ra khỏi Nga, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các công ty Nga và khách hàng quốc tế, đặc biệt là các đối tác mua dầu và khí đốt từ Nga bằng USD.

“(Việc Nga bị loại khỏi SWIFT) sẽ chấm dứt toàn bộ giao dịch quốc tế, gây biến động tiền tệ và gây ra dòng chảy ồ ạt của tiền ra nước ngoài”, bà Maria Shagina, thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết.

Việc Nga bị loại khỏi SWIFT có thể khiến nền kinh tế nước này sụt giảm 5%, theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin.

SWIFT đặt trụ sở tại Bỉ, được điều hành bởi hội đồng 25 thành viên, bao gồm chủ tịch ban quản lý Trung tâm Thanh toán Bù trừ Đối tác Trung ương của Nga Eddie Astanin. Theo mô tả của SWIFT, tổ chức này tự nhận là “tiện ích trung lập”, thuộc quyền pháp nhân của Bỉ và phải tuân theo các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga bị loại khỏi SWIFT?

SWIFT từng ngắt kết nối của các ngân hàng Iran vào năm 2012 khi Tehran bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Hậu quả, Iran thiệt hại gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% hoạt động thương mại với nước ngoài.

Theo tổ chức Shagina, việc ra quyết định áp lệnh trừng phạt với các quốc gia hoặc thực thể phụ thuộc vào các chính phủ thành viên của SWIFT và theo các quy định luật pháp.

Hiện chưa rõ bao nhiêu đồng minh của Mỹ ủng hộ việc loại Nga khỏi SWIFT. Mỹ và Đức sẽ là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Nga bị ngắt kết nối khỏi SWIFT, bởi ngân hàng của 2 quốc gia này chủ yếu sử dụng dịch vụ của SWIFT để kết nối với các ngân hàng Nga.

Giải pháp đối phó của Nga

Trong những năm gần đây, Nga đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuẩn bị cho khả năng bị loại khỏi SWIFT.

Moscow đã thiết lập hệ thống thanh toán SPFS sau khi bị trừng phạt bởi phương Tây vào năm 2014 liên quan tới sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập về Nga. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, SPFS hiện có khoảng 400 đơn vị tham gia. Theo Shagina, 20% hoạt động giao dịch tiền tệ nội địa tại Nga được thực hiện qua SPFS, nhưng số lượng tin nhắn bị hạn chế và dịch vụ chỉ được cung cấp trong giờ hành chính.

Trung Quốc cũng phát triển Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) có thể sử dụng để thay thế SWIFT. Nga cũng có thể chuyển sang sử dụng tiền điện tử. Tuy nhiên, các phương án này chưa thể so sánh với SWIFT.

“SWIFT là một công ty phương Tây, một tổ chức của nhiều nước tham gia. Để ra quyết định ngắt kết nối một quốc gia cần đạt được thống nhất của tất cả nước thành viên. Quyết định của Mỹ và Anh là chưa đủ”, Phó chủ tịch Thượng viện Nga Zhuravlev nói.

“Tôi không chắc liệu các nước khác, đặc biệt các nước có hoạt động thương mại quy mô lớn với Nga, sẽ ủng hộ việc ngắt kết nối Nga khỏi SWIFT”.

Ngày 25/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ Anh đang thảo luận cùng Mỹ về khả năng loại Nga khỏi SWIFT và coi đây như là vũ khí để chống lại Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.