Ô nhiễm nguồn nước do rác thải điện thoai di động làm cá chết hàng loạt |
Thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước
Tại vùng ngoại ô Abidjan, trung tâm hành chính lớn nhất của Bờ Biển Ngà hiện đang phải đối mặt với ô nhiễm từ rác thải ĐTDĐ. Các hóa chất độc hại có trong điện thoại di động bị rửa trôi và ngấm vào nước biển, làm cá chết hàng loạt mà ban đầu người ta không rõ nguyên nhân.
Adou Felicien, thợ sửa điện thoại ở Abidjan cho biết, sở dĩ rác thải ĐTDĐ tăng nhanh là do giá điện thoại đời cũ đang giảm mạnh, trong khi đó các loại điện thoại đời mới lại tràn ngập thị trường, với giá chỉ có 8 USD (khoảng 170 ngàn đồng tiền VN). Chẳng ai dại gì đi sửa điện thoại nên nghề này đang có nguy cơ mai một.
Thậm chí hàng trăm cửa hàng sửa điện thoại ở khu vực giờ đây trở thành "kho" quy tụ rác thải điện tử, bởi mọi người đều có suy nghĩ "quăng vào thùng rác" cho tiện. Do số lượng quá lớn nên cách đây không lâu Ebrie Lagoon, trung tâm của thành phố là nơi phát tán nguồn hóa chất độc khổng lồ như chì, thủy ngân, thạch tín, cadmium và clo..., tất cả đều ngấm vào nguồn đất và nước, làm cá chết hàng loạt.
Cá chết hàng loạt do ô nhiễm rác thải di động |
Theo ông Georges K.Kouadio, thứ trưởng Bộ Môi trường Bờ Biển Ngà (EM), do không được xử lý kịp thời, rác thải điện thoại di động đã trở thành một mối nguy cho môi trường sinh thái. Từ thùng rác hay các hố chôn, chất độc bị cuốn trôi ra biển, kéo theo mùi hôi hối, biến những vùng nước, đầm phá vốn lâu nay thanh bình, trong sạch thành những vùng đất chết. Đủ cả, nào là lốp xe, túi nhựa, ĐTDĐ cho đến dây điện và hàng loạt các loại rác thải "thế hệ mới" không thể xác định được. Kết hợp với rác thải thực phẩm, xác động vật tạo ra mùi hôi rất đặc trưng, làm cho các sinh vật nước ngột ngạt dẫn đến chết hàng loạt, làm ô nhiễm cả một vùng rộng lớn, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.
Biến rác thải điện thoại di động thành tiền
Nhờ tuyên truyền và thay đổi nhận thức của người dân, tại Bờ Biển Ngà hiện nay mọi thứ đã thay đổi, người dân không còn vứt điện thoại loại vào thùng rác nữa mà được xử lý hợp lý. Việc làm này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Ví dụ, các cơ sở sửa chữa điện thoại trở thành nơi thu gom điện thoại cũ, mua lại dù chỉ với giá ít ỏi. Những người thợ như Adou Felicien không còn thụ động như trước mà chủ động đi tìm mua các sản phẩm này. Adou làm việc cho quỹ từ thiện y tế, văn hóa và giáo dục của Bờ Biển Ngà có tên Mesad, làm nhiệm vụ thu gom điện thoại di động để tái chế.
Thu gom rác thải điện thoại di động để đưa đi Pháp tái chế |
Mesad là quỹ từ thiện đầu tiên ở Bờ Biển Ngà làm nhiệm vụ này. Adou Felicien cho biết "Lúc đầu, mọi người ngạc nhiên, thậm chí còn cho rằng việc làm của tôi là vớ vẩn, có người còn không tin tôi sẽ trả tiền cho thứ rác thải của họ". "Nhưng bây giờ họ rất vui vì thấy mục đích tôi làm nên tự giác giúp đỡ và tham gia nhiệt tình, tiền công tuy nhỏ nhưng ai cũng vui và ủng hộ, thậm chí có người còn không lấy tiền".
Nhờ cách làm này, Adou Felicien đã xây dựng được mạng lưới "cộng tác viên" ngày một đông, hiện tượng "quăng vào thùng rác" không còn xuất hiện nữa nên tình trạng ô nhiễm rác thải ĐTDĐ giảm hẳn.
Theo bà Isobelle Gabou, Giám đốc Dự án Xử lý chất thải điện của Mesad, phần lớn rác thải điện tử được gửi sang châu Âu để tái chế. Trước khi xuất ngoại, chúng được phân loại, tách nhựa, pin, màn hình, các bộ phận điện và các kim loại quý, đóng gói, cân và chuyển sang Pháp. Dự án mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được dư luận đồng tình, nhưng quan trọng hơn là giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước nên mọi người ai cũng thấy có lợi, nhiệt tình hưởng ứng.
Các lô hàng rác thải điện tử đầu tiên đã rời Bờ Biển Ngà hồi tháng 7/2014 và lô hàng thứ hai dự kiến sẽ được xuất ngoại vào đầu năm 2015. Dự án tái chế ĐTDĐ nói trên của Bờ Biển Ngà được tài trợ bởi hãng kinh doanh điện thoại di động Orange. Đến nay Orange đã xây dựng được 5 trung tâm tái chế rác thải kiểu này tại châu Phi. Nhờ dự án nói trên mà châu Phi, đặc biệt là vùng Tây Phi không còn là bãi rác thải điện tử lớn nhất của thế giới nữa.
Trung bình mỗi năm, trung tâm của Orange thu gom và vận chuyển được khoảng 10 tấn rác thải điện thoại di động đưa sang châu Âu, song số lượng này vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm chưa đến 1% của tổng số rác thải điện thoại di động của khu vực.
Khắc Nam (theo BBC)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận