Hành vi bị cấm khi đấu giá
Sau khi Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua với nội dung đáng chú ý là lần đầu tiên cơ quan chức năng cho phép đấu giá biển số ô tô, mô tô, xe gắn máy.
Bộ Công an vừa có dự thảo Nghị định quy định về đấu giá biển số xe để các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.
Ngoài những nội dung liên quan đến đấu giá biển số xe ô tô đang được triển khai, Ban soạn thảo đề xuất nhiều quy định để những người có nhu cầu đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy nắm bắt.
Theo đề xuất, giá khởi điểm của một biển số mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 5 triệu đồng. Tiền đặt trước đối với một biển số mô tô, xe gắn máy là 5 triệu đồng; bước giá đối với đấu giá biển số là 500.000 đồng.
Đối với mỗi biển số xe đấu giá thành, thù lao dịch vụ đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản được tính bằng 8% giá khởi điểm (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chi phí đấu giá); còn chi phí đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản là 2.000 đồng trên một biển số mô tô, xe gắn máy.
Để tham gia đấu giá, người dân cần đăng ký tài khoản tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và thực hiện toàn bộ thao tác đấu giá trên môi trường mạng. Khi vào phòng đấu, khách hàng có quyền chọn biển số xe theo nhu cầu của tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc.
Đáng chú ý, theo quy chế đấu giá mới nhất, khi hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đặt cọc để đấu giá, thì người đó được xác định là người trúng đấu giá biển số xe.
Trường hợp cuộc đấu giá không tổ chức được thì người tham gia đấu giá biển số xe sẽ được hoàn trả lại tiền hồ sơ, tiền đặt trước đã nộp trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày cuộc đấu giá bị dừng.
Cũng như đấu giá biển số xe ô tô, dự thảo đề xuất các trường hợp không được nhận lại khoản tiền đặt trước khi đấu giá biển số xe máy gồm: Người đủ điều kiện tham gia đấu giá mà không đăng nhập vào tài khoản và truy cập vào phòng đấu giá trong thời gian đấu chính thức (trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật); bị truất quyền đấu giá do vi phạm quy chế; người trúng đấu giá không xác nhận biên bản đấu giá trong thời gian quy định.
Còn những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối với đấu giá viên... để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; gây nhiễu loạn cuộc đấu giá; đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Người trúng đấu giá có nghĩa vụ gì?
Cũng theo dự thảo, trong 30 ngày kể từ khi có thông báo kết quả trúng đấu giá, khách hàng phải nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an (tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe).
Sau khi nhận đủ số tiền, Bộ Công an cấp hóa đơn điện tử bán tài sản công và quyết định xác nhận biển số xe trúng đấu giá gửi vào địa chỉ thư điện tử cho người trúng đấu giá để làm thủ tục đăng ký xe.
Nếu người trúng đấu giá không xác nhận biên bản thì được coi là không chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, khi đó Bộ Công an sẽ hủy kết quả, biển số xe đã trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại hoặc chuyển về hệ thống đăng ký xe.
Còn số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá của khách hàng không được hoàn trả mà nộp vào ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, khi khách hàng có dấu hiệu sử dụng thiết bị, phần mềm hỗ trợ đấu giá, tác động vào hệ thống của tổ chức đấu giá tài sản, làm thay đổi kết quả của cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản sẽ báo cáo Bộ Công an dừng công nhận kết quả, đồng thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận