Đời sống

Biết bơi trong hồ bơi chưa hẳn đã an toàn?

17/06/2019, 15:34

Long An là một trong những tỉnh của ĐBSCL có hệ thống sông rạch chằng chịt, thế nhưng hồ bơi cho học sinh ở tỉnh này vẫn khan hiếm...

img
Nhiều học sinh đến học bơi hồ bơi Thanh Xuân trong Trường tiểu học thị trấn Thủ Thừa, Long An. Ảnh: Hải Đường

Con biết nổi trên mặt nước là tôi yên tâm

Chiều 14/6, PV Báo Giao thông có mặt tại hồ bơi di động của Công ty TNHH MTV đào tạo võ thuật Xuân Thành được đặt trong khuôn viên trường tiểu học thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa (Long An). Mặc dù hồ nhỏ khoảng 50 mét vuông nhưng có trên 100 học sinh của các trường được các bậc cha mẹ đưa đến học bơi. Xung quanh hồ bơi di động này (làm bằng nhựa), rất đông phụ huynh đứng theo dõi, con, cháu mình học bơi.

Chị Nguyễn Trần Tố Quyên, ngụ thị trấn Thủ Thừa cho biết, thấy trẻ em đuối nước ngày càng nhiều nhưng xung quanh không có hồ bơi nên chị phải đưa con đến đây học. Không biết cháu ra ngoài thế nào nhưng thấy nổi lên mặt nước là mừng lắm rồi… Còn anh Nguyễn Minh Sơn (ngụ xã ấp Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa) cho biết, hơn tháng nay mỗi buổi chiều anh đều chở con đến hồ bơi của trường tiểu học thị trấn. Mục đích để cháu được các thầy hướng dẫn những động tác bơi cơ bản, cách thở khi ở trong môi trường nước và đặc biệt để cháu sớm biết bơi.

img
Huấn luyện viên dạy bơi luôn theo sát các em khi bơi. Ảnh: Hải Đường

Anh Nguyễn Phú Hiếu, huấn luyện viên bơi lội, trực tiếp hướng dẫn các em bơi cho biết, hồ bơi di động này được thực hiện hơn 2 tháng nay, đây là hồ bơi đầu tiên của huyện Thủ Thừa. Hiện có trên 187 em đăng ký học bơi với học phí 500.000 đồng/1 em, cho một khóa học, khóa học kéo dài đến khi các em biết bơi thuần thục, khoảng 2 tháng. Trong quá trình bơi các em dần được tháo các phao ra và hướng dẫn kỹ năng thoát khỏi vùng nước khi gặp nguy hiểm. “Sau khi biết bơi, nếu em nào muốn tiếp tục bơi thì đăng ký để huấn luyện viên hướng dẫn bơi nâng cao như bơi ếch, bơi bướm… Hiện tạ, trung tâm chỉ hướng dẫn em bơi trườn”, anh Hiếu cho biết.

Theo bà Đặng Thị Kiều Trinh, Trưởng bộ môn bơi lội Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An, khi các em học bơi, các huấn luyện viên luôn theo sát để kịp thời hướng dẫn từng động tác bơi. Ngoài học bơi, các em còn được trang bị những kiến thức cơ bản khi gặp nguy hiểm trong vùng nước phải bình tỉnh tìm những điểm gần bờ nhất, điểm nước cạn để bơi vào, đồng thời luôn ngước mặt lên để lấy hơi thở… Nhờ đó, trên địa bàn Long An tình trạng đuối nước những năm qua giảm đang kể, từ đầu năm 2019 đến nay không có trường hợp đuối nước xảy ra.

Cũng theo bà Trinh, hồ bơi của Trung tâm huấn luyện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An chuyên đào tạo học viên thi đấu nên được học tất cả 4 kiểu bơi: bơi trườn sấp (còn gọi là bơi sải), bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch”, bà Trinh cho biết.

img
Khóa học bơi hè rất của các em học sinh thị trấn Thủ Thừa. Ảnh: Hải Đường

Bơi trong hồ khác nhiều tự nhiên bên ngoài

Lão nông Ngô Văn Tiến (71 tuổi ở huyện Thủ Thừa), được người dân xung quanh tôn là “rái cá” cho biết, từ nhỏ đến lớn ông sống trong vùng sông, rạch nên lúc 3-4 tuổi đã biết bơi. Thời xưa không có dụng cụ phao bơi như bây giơ, mỗi lần tập bơi chạy đi tìm thùng nhựa, hay bập dừa nước, cây chuối… để làm dụng cụ. Vậy mà những đứa trẻ vùng quê sống nước đều bơi được, thậm chí còn bơi như “rái cá” vì cách này thực tiễn với môi trường, cuộc sống trên sông nước hiện tại...

Chia sẻ thêm về việc dạy bơi hiện nay ở nhà trường và các hồ bơi, ông Tiến nói: “Ngẫm lại, do nhiều trẻ em không biết bơi nên chưa bao giờ đặt mình vào tình huống nguy hiểm với sông nước. Vì thế, dạy bơi trong nhà trường, hay ở trung tâm, tôi cho rằng đó chưa chắc là giải pháp tốt nhất để các em tự cứu mình không may bị nạn. Thực tế nước trong hồ bơi cố định còn trước ngoài môi trường tự nhiên lưu động và có nơi có dòng chảy mạnh và nước xoáy…”.

img
Phụ huynh rất vui khi thấy con mình bơi được sau một thời gian tham gia khóa học bơi hè. Ảnh: Hải Đường

Ông Tiến cho rằng, giải pháp dạy bơi là tốt nhưng không tìm hiểu nguyên nhân trẻ bị đuối nước thì không thể giải quyết được vấn đề. Nhiều trường hợp bị nạn do không biết bơi, còn những trường hợp biết bơi mà gặp nước xoáy thì sao? Đó là vấn đề cần giải quyết, đặc biệt các trung tâm, cơ sở dạy bơi cần phải đưa tình huống này vào huấn luyện cho các em... Bởi trong cuộc sống không chỉ có sông nước mới nguy hiểm. Với học sinh vẫn còn chuyện ngã từ trên cao, cháy nổ, điện nước, đi lạc, bắt cóc, cướp giật... Tuy nhiên, thực tế không thể dạy các em những kỹ năng xử lý tất cả các tình huống nguy hiểm, ngay cả với người lớn cũng không thể học hết tất cả mọi kỹ năng. Cách tốt nhất để đối mặt với nguy hiểm là không đưa bản thân vào nguy hiểm. Việc này nhà trường, phụ huynh, các cơ sở dạy bơi cần phải trang bị cho các em chứ không nên dạy cho trẻ chỉ biết bơi trong hồ nhân tạo...

Tỉnh có gần 18.000 học sinh tiểu học và THCS nhưng chỉ có 20 hồ bơi và 15 bể bơi

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An cho biết, toàn tỉnh có 259 trường Tiểu học và 138 trường THCS với tổng số gần 18 ngàn trẻ em học sinh. Qua công tác kiểm tra có 8.201 em học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn biết bơi (chiếm tỷ lệ 40,6%) nhưng chỉ có 20 hồ bơi và 15 bể bơi. Những nơi này đều có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.