Điện ảnh

“Biệt đội rất ổn” hài nhảm, cẩu thả: Hứa Vĩ Văn không cứu nổi phim

07/04/2023, 11:25
image

Phim “Biệt đội rất ổn” đang chiếu ngoài rạp, gây thất vọng do kịch bản sơ sài, đầu tư hời hợt, không xứng đáng với một bộ phim điện ảnh.

“Biệt đội rất ổn” và doanh thu bất ổn

Theo thống kê của Boxoffice Vietnam, tính đến sáng 7/4, bộ phim “Biệt đội rất ổn” (phát hành ngày 31/3) của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp ghi nhận doanh thu hơn 8,7 tỷ đồng, sau hơn 1 tuần ra rạp.

img

Dàn diễn viên trẻ trong phim "Biệt đội rất ổn"

Phim được xây dựng theo thể loại heist (băng nhóm trộm cướp), kết hợp nhiều yếu tố hài hước để gây cười như "Siêu lừa gặp siêu lầy" ra mắt hồi đầu tháng 3. Tuy nhiên, doanh thu của “Biệt đội rất ổn” vẫn chưa bằng số lẻ doanh thu của "Siêu lừa gặp siêu lầy" (hơn 114 tỷ đồng).

Đáng nói, thời điểm này, phim không chỉ được nhiều suất chiếu mà còn không phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký khác ngoài rạp.

Đây là bản điện ảnh của webdrama (phim chiếu mạng) "Gia đình cục súc" từng thu hút hơn 13 triệu lượt xem, ngay từ tập đầu lên sóng vào năm 2021. Song, doanh thu và hiệu ứng truyền miệng của phim cho thấy, bản điện ảnh vẫn bộc lộ nhiều khuyết điểm.

“Biệt đội rất ổn” có thời lượng 104 phút, kể về câu chuyện xoay quanh nhân vật Phong (Hứa Vĩ Văn) và Khuê (Hoàng Oanh).

Cả hai hợp tác lật tẩy Tuấn (Quang Tuấn) – chồng cũ của Khuê để giúp cô giành lại quyền nuôi con. Trong hành trình này, cả hai bất đắc dĩ thu nạp thêm các đồng đội mới, một “gia đình cục súc” bao gồm Bảy Cục (Võ Tấn Phát), Bảy Súc (Nguyên Thảo), Quạu (Ngọc Phước) và Quọ (Ngọc Hoa).

Cả 6 người hợp tác thực hiện một phi vụ táo tợn: “phá” đám cưới của Tuấn và Xoàn (Lê Khánh), nữ đại gia miền Tây từng qua một đời chồng.

Kịch bản yếu, diễn viên mờ nhạt

Ngay từ khi ra rạp, “Biệt đội rất ổn” gây thất vọng vì chất lượng thấp, kịch bản sơ sài với nhiều tình tiết chắp vá, thiếu logic.

img

"Biệt đội rất ổn" mất điểm bởi nội dung phim nhảm, nhạt, sáo rỗng và phi logic

Phim mất điểm vì có "nhồi nhét" nhiều vai diễn nhưng không ai thực sự nổi bật. Dù quy tụ nhiều cây hài trẻ như: Võ Tấn Phát, Ngọc Phước, Ngọc Hoa và Nguyên Thảo, các diễn viên lại không giúp tác phẩm trở nên duyên dáng hơn những gì họ thể hiện trong "Gia đình cục súc".

Điểm sáng của phim có lẽ nhờ diễn xuất của Lê Khánh. Không ngoa khi nói Lê Khánh "cân" toàn bộ dàn diễn viên trong phim. Ngay cả các vai diễn của Hứa Vĩ Văn, Quang Tuấn hay Hoàng Oanh cũng đều nhạt nhòa, ngớ ngẩn, lép vế trước nhân vật Tư Xoàn của Lê Khánh.

Đặc biệt, nhân vật Quang Tuấn được xây dựng rất hời hợt, phi lý. Dù tỏ ra nguy hiểm nhưng những suy nghĩ, cách hành xử của Tuấn vẫn chưa bộc lộ là một kẻ sành sỏi, lão luyện sự đời.

Miếng hài trong phim cũng bị lạm dụng quá đà, trở nên kém duyên và chưa thoát khỏi lối diễn kịch nghệ. Có lúc, các nhân vật mải đấu khẩu, hở ra là thoại, nhưng lại bộc lộ yếu điểm về diễn xuất thông qua chất giọng, ánh mắt, cử chỉ gương mặt.

Phim thậm chí chưa cho thấy chất liệu màn ảnh rộng, mà chỉ xứng đáng như một webdrama được chiếu tại rạp. Từ khâu ghi hình, góc quay, âm thanh, chuyển cảnh đến thiết kế sản xuất trong phim đều nghèo nàn, tù túng. Trong khi đó, với một phim điện ảnh chất lượng, đây luôn là thứ được ưu tiên hàng đầu.

img

Diễn xuất của Lê Khánh là điểm sáng trong phim

Chẳng hạn, nhân vật của Lê Khánh được giới thiệu là nữ đại gia miền Tây sở hữu khối tài sản triệu USD. Song, bà Tư Xoàn chưa toát lên được vẻ sang trọng, giàu có. Dù nhiều tiền, nhân vật chỉ tổ chức đám cưới trong một căn phòng nhỏ.

Đám cưới được giới thiệu là sự kiện với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, lực lượng an ninh bảo vệ chặt chẽ, nhưng nhóm băng cướp lại dễ dàng đột nhập vào nơi trưng bày trang sức quý giá.

Ở chiều ngược lại, phim ghi điểm khi thể hiện chất liệu gần gũi bằng việc khai thác bối cảnh miền Tây, cài cắm được yếu tố truyền thống khi đưa dòng nhạc cải lương với màn góp mặt của "cải lương chi bảo" - NSND Bạch Tuyết.

Phim cẩu thả có đe dọa tương lai của rạp Việt?

Trước “Biệt đội rất ổn”, "Khi ta hai lăm", "Huyền sử vua Đinh", "Cù lao xác sống", "Virus cuồng loạn" là những bộ phim gây thất vọng vì kịch bản dở, đầu tư hời hợt. Doanh thu hơn 3 tỷ đồng của "Khi ta hai lăm", hay 42 tỷ đồng của "Huyền sử vua Đinh" là minh chứng cho điều này.

img

Lê Dương Bảo Lâm và Midu đóng chính trong "Khi ta hai lăm"

Ở chiều người lại, một số webdrama được phát triển thành phim chiếu rạp lại ghi nhận doanh thu "khủng". Chẳng hạn như "Bố già" của Trấn Thành (doanh thu hơn 400 tỷ đồng), "Chị Mười Ba" của Thu Trang – Tiến Luật (hơn 100 tỷ đồng)...

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV, cho biết, dự kiến có khoảng 30 - 35 phim Việt sẽ tiếp tục ra rạp trong năm 2023.

Rạp Việt vẫn còn các mùa phim chiếu vào các dịp nghỉ lễ lớn trong năm như: 30/4-1/5, Ngày Quốc khánh 2/9, mùa phim cuối năm... Gần nhất là dự án: "Lật mặt 6", "Chuyện xóm tui: Con nhót mót chồng" đã ấn lịch ra rạp vào tháng 4 này.

Ông Hải thừa nhận, kịch bản nào cho rạp Việt trong năm nay vẫn là ẩn số. Nhưng có một điều rõ ràng là, những bộ phim chất lượng thấp ra rạp chắc chắn sẽ khiến thương hiệu phim Việt bị ảnh hưởng.

"Dù có những hứa hẹn nhất định, nhưng bao nhiêu phim hoành tráng, phim hay thật sự thì vẫn chưa biết. Sau một mùa phim Tết bùng nổ, thị trường phim Việt vẫn còn nhiều bất ổn và khó đoán định. Để bán vé tốt, câu chuyện phim phải đủ hấp dẫn và tạo hiệu ứng truyền miệng tốt.

Việc xuất hiện phim chất lượng thấp ra rạp đã phần nào làm giảm lòng tin của khán giả với phim Việt. Khán giả chắc chắn sẽ cân nhắc hơn khi khi quyết định mua vé xem một bộ phim", ông Hải nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.