Cá chết dạt vào bờ biển thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị). ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
Có tiền đền bù mong Chính phủ hỗ trợ dài hạn
Chiều tối ngày 30/6, liên quan đến việc Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh Miền trung, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tất Hữu, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Mật (Vĩnh Thái, Vĩnh Linh, Quảng Trị) cho biết: "Mừng vì cuối cùng đã có thông báo chính thức nhưng cả nhà tôi vẫn rất lo lắng !".
Lo sau này họ có đền bù, hỗ trợ ngư dân thì cũng chỉ được một thời gian mà biển thì không biết bao giờ phục hồi như cũ để dân sống được với nghề của mình?, ông Hữu nói. Mọi người nghĩ đơn giản là chuyển đổi làm ăn nhưng thực sự rất khó. Bây giờ muốn chuyển đổi nghề, thì phải có vốn liếng, con người, thời gian...
Tâm sự với phóng viên, ông Hữu kể: Trước đây, từ tháng 2-9 là mùa đánh bắt chính của ngư dân. Cá đánh được đưa vào bờ là có thương lái giành nhau mua. Khách du lịch về tắm biển, thưởng thức cá tươi cũng giúp dân dần phát triển kinh tế.
Gần đây, dân bãi ngang đánh bắt gần bờ tầm vài trăm mét đến vài hải lý, ra biển chỉ mang về được vài con cá. Vào bờ cũng có người mua nhưng giá “bọt bèo”, không đủ tiền dầu. Thế nên những ngư cụ như lưới, lừ bẫy cá, mực cũng đã đưa về nhà cả rồi. Ngư dân giờ đây điêu đứng lắm.
Ông Nguyễn Tất Hữu, trưởng thôn Tân Mạch xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị chia sẻ với Báo Giao thông về nỗi lo của mình. Ảnh: Tạ Vĩnh Yên |
Những người trụ cột của gia đình đã rời đi Sài Gòn, lên Tây Nguyên hết cả. Ngay cả con trai tôi cũng đã vào Ninh Hải (Ninh Thuận) để làm thuê cho các tàu đánh bắt xa bờ. Vợ tôi cũng đã lên Khe Sanh (Quảng Trị) để làm công trồng cà phê. Buồn lắm mà không biết phải làm sao. Trong khi đó, vẫn còn các khoản nợ vay đóng tàu thuyền, ngư cụ không biết phải làm sao để trả.
Thời điểm sau đợt cá chết, nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình có thuyền nan là 5 triệu đồng, mỗi ngư dân 1 triệu đồng, gạo thì 15 cân/khẩu/tháng… Gần đây, ngồi không cũng lo lắng quá, con tôi có mua tay lưới để ra các hồ chứa nước ở khu khai thác titan thả vài con cá nhỏ nhỏ về làm mắm ăn qua ngày. "Họ bồi thường rồi thì mong Nhà nước có cách gì đó giúp dân cả trước mắt và lâu dài", ông Hữu nói.
Chúng tôi cần nhất là biển, tôm cá trở lại như xưa
Chia sẻ với phóng viên, ngư dân Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Nam Lãnh, Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Bình cho biết: "Ngay từ đầu khi thấy cá chết ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh rồi lan sang Quảng Bình chúng tôi đã nghi ngờ thủ phạm chính là nhà máy Fomorsa. Giờ họ đã công nhận chính họ gây nên thì chúng tôi mong Chính phủ xử lý nghiêm đối với cá nhân tổ chức liên quan. Đồng thời buộc họ phải bồi thường những thiệt hại mà ngư dân chúng tôi đã phải chịu đựng suốt thời gian qua.
Còn ngư dân Võ Phước Hồng trú xóm 19/5 xã Quảng Đông - gia đình đã có 2 đời làm nghề đi biển nhất nhất chỉ mong muốn một điều: "Chúng tôi cần nhất là biển, tôm cá trở lại như xưa".
Hơn 2 tháng qua, do chính quyền khuyến cáo không sử dụng cá chết ở gần bờ nên cá đánh lên bán không được. Anh Hồng đã phải gác lưới về trồng lúa, trồng rau nhưng thỉnh thoảng anh vẫn rong thuyền ra biển cho đỡ nhớ. Anh Hồng nói giờ biển ít cá lắm. Trước mỗi đêm đánh được 30-40kg, giờ may mắn mới được vài kg. Hiện nay ở các xã ven biển tỉnh Quảng Bình ngư dân hầu như vẫn gác lưới do hải sản gần bờ đánh bắt về không tiêu thụ được. Các tàu cá xa bờ vẫn hoạt động nhưng giá cá bán tại địa phương đã giảm nhiều so với trước đây. Chúng tôi cần biết, bao giờ biển trở lại như xưa?, anh Hồng nói.
Xem thêm video toàn cảnh họp báo lần đầu công bố nguyên nhân cá chết ở miền Trung
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận