Pháp luật

Biệt phủ mọc trên đất rừng phòng hộ: Sai phạm nối tiếp sai phạm

20/10/2018, 10:10

Cách đây hơn chục năm, thanh tra các cấp đã phát hiện hàng trăm trường hợp mua bán, chuyển nhượng trái phép...

20

Công trình này đang được gấp rút hoàn thiện

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, những sai phạm không những không chấm dứt mà vẫn tiếp diễn.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Ngay từ khoảng những năm 2005-2006, trong quá trình quản lý đất rừng, hầu hết các xã có rừng tại huyện Sóc Sơn đều diễn ra tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất rừng với diện tích lên tới hàng trăm ha, nhiều trường hợp khi chuyển nhượng có xác nhận của UBND cấp xã.

Theo cơ quan thanh tra, người nhận chuyển nhượng phần lớn là ở TP Hà Nội với mục đích làm trang trại, xây nhà nghỉ cuối tuần, trồng rau, chăn nuôi… Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiều hộ đã xây dựng nhà ở, kinh doanh ăn uống với những diện tích lên tới cả nghìn mét vuông. Việc xây dựng không có phép nhưng chính quyền không xử lý được bất cứ trường hợp nào.

Từ trước những năm 2005, UBND huyện Sóc Sơn đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) cho hàng trăm hộ dân trên diện tích đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có cả những trường hợp cấp cho người nhận chuyển nhượng. Từ tháng 4/2006, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và đã kết luận có hơn 400ha đất rừng bị chuyển nhượng sử dụng trái phép với tổng số 548 hộ nhận chuyển nhượng. Trong đó có trên 650 hộ dân xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp.

Đến tháng 5/2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra, tổ chức ngăn chặn các trường hợp xây dựng trái phép, trình Thủ tướng phương án xử lý theo nguyên tắc thu hồi toàn bộ diện tích mua bán chuyển nhượng, mua bán trái pháp luật; Làm rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng.

Tuy nhiên, trong suốt hơn 10 năm qua, nhiều sai phạm trong việc “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ vẫn tiếp diễn, hàng loạt khu nghỉ dưỡng sinh thái tiếp tục được xây mới trước sự kinh ngạc của dư luận. Và có lẽ, không chỉ 400ha như kết luận thanh tra đã chỉ ra, con số thực chắc chắn lớn gấp nhiều lần bởi việc kiểm tra giám sát gần như bị buông lỏng suốt từ đó đến nay. Chỉ đến ngày 10/10 vừa qua, khi câu chuyện rừng phòng hộ Sóc Sơn tưởng như đã chìm vào quên lãng thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bất ngờ có văn bản giao thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn. Văn bản này nêu rõ, dù đã có các kết luận thanh tra nhưng việc xử lý, khắc phục của UBND huyện Sóc Sơn, các sở, ngành rất chậm, chưa triệt để và tiếp tục để xảy ra các vi phạm.

Dân mua bán đất, chính quyền không biết?

Những ngày qua, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, nơi đang tồn tại hàng trăm biệt thự, nhà nghỉ, khu vui chơi được xây trên đất rừng phòng hộ, sau khi có chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền thành phố, hoạt động xây dựng vẫn được một số chủ đầu tư tiến hành, gấp rút hoàn thiện.

Tại khu vực này, ngoài biệt thự của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh, phía đối diện là khu sinh thái Thiên Phú Lâm, bên trong chủ đầu tư vẫn đang cho hoàn thiện xây dựng các hạng mục. Xung quanh đó, hàng trăm biệt thự, villa hoành tráng mọc trên đất rừng phòng hộ hoặc cao chót vót lưng chừng núi. Vật liệu vẫn được chuyên chở liên tục để xây dựng những phần dở dang của nhiều công trình. Những ô đất trống chưa xây dựng cũng được dựng rào bê tông, chăng dây thép B40 giữ đất. Mục sở thị những gì đang tồn tại, không ai nghĩ đây là đất rừng phòng hộ, đặc dụng mà là khu biệt thự liền kề của một dự án bất động sản cao cấp nào đó!

Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, hiện trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú có 45 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất thuộc quy hoạch là rừng phòng hộ. Việc xác nhận vào hồ sơ chuyển nhượng vi phạm đều do UBND các xã thực hiện. Theo ông Tuấn, ngay khi phát hiện vi phạm, huyện đã có ít nhất 4 văn bản chỉ đạo các xã xử lý, tuy nhiên, các địa phương… không thực hiện. Trong năm 2017, địa phương đã tiến hành kỷ luật 6 cán bộ liên quan đến việc này.

Tại khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai cũng diễn ra phức tạp mặc dù khu vực này đã nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Nhiều cá nhân tiến hành gom đất, lấn hồ, xây dựng trái phép biệt thự, nguy nga và hoành tráng nhất là lâu đài mang tên Hoàng Lê Gia Garden.

Theo phản ánh của người dân, suốt từ năm 2015 đến nay, rất nhiều cá nhân là người nơi khác đến đây thu mua, gom đất (thuộc quy hoạch rừng phòng hộ) với tổng diện tích lên tới nhiều ha, sau đó xây dựng biệt thự, nhà hàng, lâu đài... Việc xây dựng, san gạt thay đổi hiện trạng đồi, rừng diễn ra một cách rầm rộ nhưng không thấy bất kì động thái xử lý nào của chính quyền sở tại.

Chứng kiến những gì diễn ra tại hai xã Minh Trí, Minh Phú, có thể thấy lá phổi xanh của Hà Nội đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Trong vai người có nhu cầu mua đất tại đây, PV được bà Nguyễn Thị Hằng, xóm Phú Nghĩa, xã Minh Phú cho biết: “Quanh khu này người ở nội thành Hà Nội lên mua hết rồi, đất đây chủ yếu là đất rừng. Họ mua rồi xây biệt thự, khu vui chơi, nhà vườn, nhà nghỉ để cuối tuần về nghỉ ngơi”.

 Trong khi đó, bà Dương Thị (55 tuổi, ở thôn Lâm Nghiệp, xã Minh Phú, thông tin: “Trước kia đất bán theo sào, nhưng giờ tính theo mét vuông, tuỳ theo từng vị trí cũng có giá khác nhau. Đất này là rừng phòng hộ để trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, không được xây nhà cửa, nhưng hiện nay họ phá rừng làm nhà hết rồi. Từ khi chúng tôi còn nhỏ đi chăn trâu, bò tít tận trên núi, nhưng giờ không vào được vì họ rào B40 chia khoảnh xây biệt thự, nhà nghỉ hết cả rồi”.

 Cụ Duyên (80 tuổi, nhà ở đối diện Việt Phủ Thành Chương) cho hay, đất ở khu vực hiện đã được bán gần hết. Hiện tại nếu có thì chỉ là chuyển nhượng lại, giá đất khoảng trên 400 triệu đồng/sào. Người mua là những người có tiền, thường mua vài sào đến cả vài nghìn mét vuông rồi xây cất.

Làm việc với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho hay: “Đó là những trường hợp vi phạm từ trước, còn những trường hợp đang xây dựng mới thì xã đã chỉ đạo lực lượng công an xã giám sát yêu cầu dừng xây dựng. Về biệt thự của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh, thời gian tới, xã sẽ mời ca sỹ Mỹ Linh làm việc cụ thể. Gia đình nhà ca sỹ Mỹ Linh đã ở đây ổn định nhiều năm cũng không có vấn đề gì xảy ra. Bản thân tôi làm phó chủ tịch mới được 2 năm. Trong thời gian này tôi cũng chưa kí bất kì giấy tờ mua bán chuyển nhượng đất đai nào liên quan đến khu vực nhà ca sỹ Mỹ Linh hay đất rừng phòng hộ. Thậm chí, các gia đình tự mua bán với nhau, chính quyền địa phương cũng không nắm được hồ sơ”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết, chính quyền địa phương đang củng cố hồ sơ để từ nay đến cuối năm 2018 sẽ xử lý 18 công trình vi phạm đất rừng tại xã, tuy nhiên trong số này không có công trình của gia đình ca sỹ Mỹ Linh. “Đất đó mua bán từ năm 2001, đã được cấp sổ đỏ 600m2 đất ở tại vị trí hiện tại. Tôi mới làm chủ tịch được 3 năm nay nên thực sự cũng không nắm được. Mà nhà đóng cửa suốt nên chúng tôi không bao giờ vào đó. Họ cũng không bao giờ quan hệ với xã nên tôi không nắm được”. 

Qua cách trả lời của lãnh đạo xã Minh Phú, có thể phần nào hiểu được vì sao trong suốt hơn 10 năm qua, rừng phòng hộ tại đây đã và đang bị băm nát, hàng trăm biệt thự, nhà vườn đua nhau mọc lên thách thức pháp luật và dư luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.