Biệt thự, nhà liền kề tăng từ 20-60%
Đã gần nửa năm nay, thị trường bất động sản hạ nhiệt, mức độ quan tâm đến bất động sản không cao. Câu chuyện lỗ lãi từ bất động sản không còn râm ran ở khắp đường làng, ngõ xóm, quán trà đá, cà phê vỉa hè. Những vùng quê cũng bớt phần tấp nập, không còn cảnh khách rồng rắn kéo nhau vào làng xem đất.
Biệt thự tăng giá nhưng thanh khoản thấp
Đi ngược xu thế ấy, giá biệt thự, đặc biệt là các dự án ven đô vẫn ầm ầm tăng giá. Đơn cử như Khu đô thị Nam Cường, nếu như năm 2019, trung bình các căn biệt thự, liền kề đã xây thô có giá khoảng 90 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 120-130 triệu đồng/m2, căn biệt thự góc có vị trí đẹp có giá hơn 200 triệu đồng/m2. Căn liền kề 82m2 giá rẻ nhất đã 11 tỷ đồng, căn biệt thự vị trí góc diện tích 220m2 giá là 36 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần PropertyGuru Việt Nam, người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự/liền kề giảm 11% theo năm và giảm 14% với shophouse.
Tương tự tại dự án Geleximco Lê Trọng Tấn, giá một căn liền kề thấp cũng ở mức 8-9 tỷ đồng/căn, vị trí đẹp có giá khoảng 12-13 tỷ đồng/căn. Mức giá hiện tại đang cao hơn so với năm 2018 khoảng 2-3 lần.
Theo một báo cáo thị trường mới đây, nửa đầu năm, giá biệt thự tăng 37%, giá nhà phố thương mại (shophouse) tăng 22%, giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Còn báo cáo mới đây của Savills, trong quý 1/2018, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự hạng A Hà Nội là 65 triệu đồng/m2, đến quý I/2022, Savills ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự Hà Nội đạt 134 triệu đồng/m2, thậm chí xuất hiện mức giá cao kỷ lục là 569 triệu đồng/m2.
Giá tăng quá cao, người mua nhà phát hoảng. Anh Nguyễn Văn Kiên (Cầu Giấy) cho biết, thấy thị trường hạ nhiệt, anh thanh thủ tìm chốn an cư. Dù cầm trong tay số vốn 10 tỷ đồng nhưng vẫn chưa tìm được căn nhà nào vừa túi. “Tôi phát hoảng khi được biết giá liền kề, biệt thự thời điểm hiện tại. Nhiều căn từ cuối năm ngoái tới nay đã tăng đến 20 - 30%. Kế hoạch của tôi đang phải tạm gác lại”, anh Kiên chia sẻ.
Nhà bỏ hoang, thanh khoản yếu
Giá tăng là vậy, nhưng ghi nhận thực tế tại những dự án này, tình trạng nhà bỏ trống tương đối lớn. Đặc biệt là shophouse trên các tuyến phố Tố Hữu, Lê Trọng Tấn... Các cửa hàng trước đó đông đúc cũng quay sang treo biển tìm khách thuê. Trong khi nhà cũ không có người ở, nguồn cung mới lại khan hiếm và thanh khoản yếu.
The báo cáo của Savills cho thấy, Hà Nội chỉ có 146 căn biệt thự, nhà liền kề mới, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp toàn thị trường ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua, ở mức 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm.
Lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm với chỉ 302 giao dịch. Huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau bởi Hà Đông với 15%. Liền kề và nhà phố (shophouse) chiếm 67% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14 % theo quý và 25 % theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội chia sẻ: “Sau thời gian liên tục tăng, hiện đã có chiều hướng chững lại liên quan đến tính thanh khoản, khả năng chi trả, cũng như mức độ hấp dẫn của sản phẩm và tính cạnh tranh với các dòng sản phẩm ở các địa phương lân cận”.
Dự báo về thị trường cuối năm, Savills cho biết, thị trường sẽ chào đón hơn 2.131 căn đến từ 13 dự án. Tuy nhiên, các dự án này phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận