Thị trường

Biểu giá điện 5 bậc: Dùng nhiều điện phải trả thêm tiền

19/07/2023, 13:36

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc giúp các hộ dùng ít điện giảm tiền phải trả, nhưng hộ dùng nhiều phải trả thêm tiền.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt được rút ngắn từ 6 còn 5 bậc.

Cụ thể, ở dự thảo biểu giá mới, bậc 1 là từ 0-100 kWh ghép từ 2 bậc trong biểu giá hiện hành (bậc 1 từ 0-50kwh và bậc 2 từ 51-100kWh). Bậc 2 ở biểu giá mới đề xuất là từ 101-200kWh, là bậc 3 hiện hành. Bậc 3: Từ 201-400kWh, ghép bậc 4 (201-300kW) và bậc 5 (301-400kWh) hiện hành.

Hai bậc mới hoàn toàn so với biểu giá hiện hành là bậc 4 và bậc 5, theo đó bậc 4 từ 401-700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên.

img

Giá điện sinh hoạt được đề xuất giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc.

570 nghìn hộ dùng 701 số trở lên phải trả thêm tiền

Đánh giá về phương án mới này so với 6 bậc hiện hành, trả lời PV Báo Giao thông, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng: Phương án này đơn giản, người dân dễ hiểu nhờ giảm bậc.

Ở phương án mới, theo ông Hòa, việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn.

"Việc này nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện và khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Đồng thời, hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa", ông Hòa nói.

img

Sự khác biệt giữa phương án 5 bậc và 6 bậc hiện hành.

Bậc 1 có giá thấp nhất là khoảng 1.728 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là 3.457 đồng một kWh. Giá này chưa gồm thuế VAT.

Ông Hòa cho rằng, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý. Chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối cùng là 2 lần, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

"Nam California, Mỹ là 2,2 lần, Hàn Quốc là 3 lần, Lào là 2,88 lần; Thái Lan là 1,65 lần", ông Hòa dẫn chứng.

Với đề xuất mới này, ông Hòa khẳng định: Các hộ có mức sử dụng điện thấp dưới 700kWh (chiếm 97,85% số hộ) sẽ có tiền điện phải trả không tăng hoặc giảm, các hộ có mức sử dụng điện cao trên 700 kWh/tháng (chiếm 2,15%) phải trả tăng tiền điện để bù cho mức giảm của các hộ có mức sử dụng điện dưới 700kWh.

Tiến tới 2 bậc, 3 bậc và 1 giá

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chuyên gia Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng "có nhiều ưu điểm hơn so với 6 bậc hiện hành".

"Trong biểu giá mới, tỷ trọng tính giá của các bậc thang so với giá bình quân thay đổi nhiều. Tỷ trọng nhiều bậc thang mới áp dụng cho đại bộ phận hộ tiêu dùng điện giảm so với bậc thang hiện hành", ông Thỏa nói.

img

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.

Cụ thể, giá ở bậc 1 mới chỉ bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân, trong khi giá hiện hành là 92-95%. Giá bậc 2 bằng 108%, còn hiện hành 110%. Bậc 3 mới là 136%, cũng giảm so với mức hiện hành 138% (bậc 4).

Tuy nhiên, ở bậc sử dụng điện nhiều hơn thì tỷ trọng giá điện tăng cao hơn so với hiện hành. Như bậc 6 hiện hành (401kWh trở lên) cao nhất chỉ có 156%, nhưng bậc 5 mới tăng lên 180%.

img

Bậc 6 hiện hành (401kWh trở lên) cao nhất chỉ có 156%, nhưng bậc 5 mới tăng lên 180%.

Đáng chú ý, tỷ lệ chênh lệch giá giữa bậc thấp nhất và cao nhất tăng mạnh, từ 1,74 lên 2 lần ở biểu giá mới.

“Song, nhìn chung, biểu giá cải tiến này phù hợp hơn với cơ cấu tiêu dùng điện với đại bộ phận người tiêu dùng điện trong xã hội. Vì điểm nhiều người băn khoăn nhất là tăng giá cho bậc sau, nhưng nó lại là điểm mới tạo tác động mạnh hơn cho ý thức tiết kiệm tiêu dùng điện”, ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích.

Theo vị chuyên gia, biểu giá này là tiền đề để có thể rút gọn về 3 bậc, hay 2 bậc và tiến tới xoá bỏ bậc thang, đưa về một giá điện khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

img

Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương).

Hồi tháng 10/2022, Bộ Công thương cũng đã gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc hoặc 4 bậc.

Sau đó, Bộ Công thương cho biết, trong số các ý kiến góp ý gửi về Bộ Công thương, 92,2% đề xuất lựa chọn phương án rrút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân. Chỉ có 7,8% đề xuất lựa chọn phương án 2 (rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc và thay đổi tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân).

Khi dự thảo biểu giá bán lẻ điện lần này được đưa ra, một số chuyên gia góp ý nên có phương án 1 giá điện.

Tuy nhiên, trả lời PV Báo Giao thông về việc vì sao không áp dụng phương án 1 giá, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực giải thích: Phương án đồng giá (1 giá) là không áp dụng được trên thực tế nếu nhìn từ các mục tiêu định giá: chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 29 Luật Điện lực chính sách giá điện là "khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả".

Như vậy, việc áp dụng phương án giá sinh hoạt đồng giá là không phù hợp với thực tiễn cũng như quy định nêu trên tại Luật Điện lực.

“Năm trước Bộ lấy ý kiến về phương án 1 giá và phần lớn ý kiến phản hồi đều không chọn phương án này, vì vậy lần này mình không xin ý kiến về phương án này nữa”, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.