Kinh tế

Biểu giá điện một giá: Chỉ có lợi cho nhà giàu?

12/08/2020, 19:27

Trước đề xuất về cách tính điện một giá tương đương 2.704 và 2.890 đồng/kWh, nhiều người dân lo ngại có thể phải trả số tiền điện nhiều hơn.

img
Biểu giá điện một giá chỉ có lợi cho nhà giàu.

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đã đề xuất cách tính điện một giá với 2 mức là 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân cho phương án 2A và 2B dành cho khách hàng dùng điện sinh hoạt.

Như vậy, mức điện một giá cho người dân lựa chọn tương đương 2.704 đồng/kWh và 2.890 đồng/kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.

Khách hàng có thể chọn giữa phương án một giá điện và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Dự thảo ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến của người dân, cho rằng cách tính giá điện mới chỉ có lợi cho người giàu.

Chị Lê Na (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chỉ dùng một mức giá, lẽ ra sẽ mang tính công bằng cho mọi người dùng điện, tuy nhiên, với mức giá đưa ra đang quá cao so với mức giá trung bình. “Chúng tôi cần minh bạch mức giá trung bình này có ý nghĩa gì, tại sao lại chọn mức giá áp dụng là 2.704 đồng/kWh và 2.890 đồng/kWh”, chị Na băn khoăn.

Tương tự, anh Tuấn Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, so với mức dùng của gia đình mình ngưỡng 401-700 kWh/tháng, nếu chọn trả 1 giá, phải trả chênh lệch thêm từ 102.000-233.000 đồng/tháng, tùy theo phương án 1 giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh. Trong khi đó, theo Bộ Công thương, có đến 98,2% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.

"Mức điện 1 giá không biết dành cho đối tượng khách hàng nào. Mức giá đưa ra chưa thuyết phục vì sẽ có nhiều người chịu mức hóa đơn cao hơn. Như vậy, rõ ràng sẽ khiến nhiều người dùng buộc phải chọn bậc thang. Trong khi, bậc thang cũng đang không có lợi cho người dùng", anh Tuấn Anh bày tỏ.

Mặc dù được nhận định là nhóm khách hàng có lợi nhất nếu lựa chọn biểu giá điện một giá, chị Lan Anh (Hà Đông) băn khoăn: Hóa đơn tiền điện chỉ tăng vọt vào vài tháng hè. Song, cách tính một giá dù có lợi trong thời điểm này nhưng lại khiến người dùng lúc nào cũng phải trả giá cao hơn so với bậc thang.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, phương án điện một giá có thể khiến người dùng nhiều điện (thường là người có điều kiện kinh tế) lựa chọn, như vậy không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện. "Với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá nên ở mức trên 2.000-2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, mức tiền điện cũng không chênh nhiều, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư", ông Ngãi kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN chỉ là đơn vị thực hiện và tuân thủ, còn việc quyết định biểu giá điện mới phụ thuộc vào cơ quan chủ quản. Về phương diện kinh doanh, muốn biết lỗ lãi thế nào, tập đoàn cần phải có thời gian tính toán, xem xét.

Về quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng, việc sử dụng bậc thang cũng đang hướng đến hỗ trợ những người có thu nhập thấp. Hơn nữa, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang áp dụng biểu giá điện bán lẻ sinh hoạt theo bậc thang để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm nguồn năng lượng hữu hạn.

Đơn cử như tại các nước như Mỹ, Nhật... họ vẫn duy trì chính sách giá bậc thang để khuyến khích người dân dùng tiết kiệm năng lượng.

img

Giá xăng dầu hôm nay 12/8: Chuyển biến khó lường vì dịch Covid-19

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.