Theo AP, đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Israel kể từ tháng 10/2023 sau khi Hamas tiến hành các vụ tấn công khiến 1.200 người thiệt mạng và bắt giữ 250 con tin. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Israel Netanyahu đã cam kết sẽ tiêu diệt Hamas và đưa tất cả con tin trở về nhà.
Tuy nhiên, những mục tiêu này giờ đang khó trở thành hiện thực bởi Hamas dù đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong khi đó, giao tranh kéo dài suốt 6 tháng qua đã khiến vị thế lãnh đạo của Thủ tướng Netanyahu bị lung lay dữ dội dù người dân trong nước vẫn ủng hộ chính quyền chiến đấu với Hamas.
Cho đến nay, mới chỉ có khoảng một nửa số con tin tại Dải Gaza được phóng thích trong đợt ngừng bắn kéo dài 1 tuần hồi tháng 11/2023. Tuy nhiên, những nỗ lực làm trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế để đưa những con tin còn lại trở về nước đã thất bại. Các cuộc đàm phán đã được nối lại trong ngày 31/3 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu đột phá.
Những người biểu tình đã đổ lỗi cho ông Natenyahu và cho rằng, những chia rẽ sâu sắc về chính trị liên quan đến những nỗ lực về tư pháp của ông trong năm qua đã làm suy yếu Israel trước khi diễn ra cuộc tấn công của Hamas. Một vài người còn lên tiếng cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đã làm ảnh hưởng tới quan hệ với Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Israel.
Ngoài ra, một số người chỉ trích Thủ tướng Israel đang quá quan tâm đến sinh mệnh chính trị của mình hơn là lợi ích quốc gia.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy liên minh cầm quyền của ông Netanyahu đang bị các đối thủ bỏ xa nếu cuộc tổng tuyển cử được tiến hành trong ngày 31/3. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào mùa xuân năm 2026 và vị thế của ông Nentanyahu vẫn chưa quá bị lung lay trừ khi liên minh hiện tại của ông không tan rã sớm.
Trong khi đó, nhiều gia đình của các con tin dù không muốn công khai chỉ trích ông Netanyahu để tránh gây ảnh hưởng đến chính quyền cũng như số phận của các con tin nhưng cũng bắt đầu cảm thấy giận dữ và mong muốn có sự thay đổi người nắm quyền. Họ cũng chính là những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình chống chính quyền ngày 31/3.
Về phần Tổng thống Israel, trước bước vào cuộc phẫu thuật thoát vị, ông Netanyahu đã xuất hiện trên truyền hình và bày tỏ ông cảm thông với nỗi đau của các gia đình có người nhà bị bắt làm con tin. Tuy nhiên, ông Netanyahu cho rằng việc kêu gọi bầu cử sớm sẽ khiến Israel bị tê liệt trong vòng 6-8 tháng cũng như gây cản trở cho các cuộc đàm phán giải phóng con tin.
Ông Netanyahu cũng nhắc lại cam kết mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Rafah, miền Nam Gaza nơi có hơn 1,1 triệu dân đang sinh sống. "Sẽ chẳng có chiến thắng nào hết nếu chúng ta không tiến vào Rafah", ông Netanyahu nhấn mạnh và khẳng định, ông sẽ không chùn bước trước áp lực từ phía Mỹ.
Trong ngày 31/3, Israel đã tiến hành không kích vào một bệnh viện đông người ở trung tâm Gaza khiến 2 người Palestine thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Thủ tướng Netanyahu phải tiến hành phẫu thuật điều trị thoát vị vào tối 31/3.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin sẽ tạm nắm quyền điều hành Chính phủ Israel trong thời gian ông Netanyahu tiến hành phẫu thuật.
Ông Netanyahu, 74 tuổi, đã phải làm việc trong tình trạng căng thẳng liên tục kể từ khi cuộc xung đột tại Dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023. Trước đó, ông từng bị phát hiện có vấn đề về tim mạch và phải tiến hành phẫu thuật cấy máy điều hòa nhịp tim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận