Tập đoàn sản xuất drone DJI của Trung Quốc trở thành nạn nhân trong thương chiến Mỹ - Trung
Trước tháng 12/2020, tập đoàn khổng lồ sản xuất máy bay không người lái DJI Technology Co (viết tắt của Da-Jiang Innovations) được coi là biểu tượng cho sự sáng tạo, trỗi dậy công nghệ, trí tuệ thời đại mới của Trung Quốc trên thị trường Mỹ. Nhưng đến đầu năm nay, tập đoàn này trượt dốc và đối mặt với khủng hoảng nhân sự. Chưa rõ nguyên nhân thực sự nhưng sự việc xảy ra sau khi Washington đưa DJI vào “danh sách đen”.
Nguy cơ mất ngôi thống trị trên đất Mỹ
Được thành lập kể từ năm 2006, DJI đã loại bỏ hầu như mọi đối thủ cạnh tranh trên thị trường nhờ năng lực sản xuất máy bay không người lái (drone) công nghệ cao nhưng giá bán bình dân, kiểm soát hơn 70% thị trường drone toàn nước Mỹ.
Mặc dù vậy, từ cuối năm 2020, công ty Trung Quốc bắt đầu phải chịu nhiều động thái gây khó dễ từ chính quyền Mỹ. Chẳng hạn hồi tháng 10, Bộ Nội vụ Mỹ tuyên bố, các cơ quan thuộc Bộ này sẽ chỉ mua máy bay không người lái từ những công ty nằm trong danh sách đã được Bộ Quốc phòng Mỹ phê duyệt. Trong đó, chỉ có 5 nhà cung cấp drone mà Lầu Năm Góc thông qua bao gồm 4 công ty Mỹ, 1 công ty Pháp, không có công ty Trung Quốc.
Theo DJI, hiện nay Mỹ chưa áp dụng lệnh cấm các cơ quan công quyền mua sản phẩm drone của hãng này trên diện rộng. “Quốc hội Mỹ từng cân nhắc biện pháp đó nhưng đã bác bỏ vì lệnh cấm này sẽ gây khó khăn cho rất nhiều công ty, cơ quan chính phủ phụ thuộc vào drone” như cảnh sát, lực lượng cứu hoả, thông báo từ DJI cho biết.
Bởi vậy, tính đến đầu tháng 12 năm ngoái, dựa trên nguồn lực, nhân sự, các mẫu thiết kế và doanh số của hãng, nhiều chuyên gia tin rằng, DJI hoàn toàn có thể phát triển rất mạnh, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường Mỹ, đánh bại các đối thủ tại địa phương.
Nhưng chỉ sau vài tháng, tập đoàn drone khổng lồ của Trung Quốc thực sự đối mặt nguy cơ mất ngôi thống lĩnh thị trường drone. Tất cả bắt đầu từ việc chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump đưa DJI vào “danh sách đen” cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn khác của Trung Quốc như Huawei từ giữa tháng 12/2020.
Với thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ, công ty này không chỉ bị liệt vào “danh sách đen”, cấm mua hoặc sử dụng công nghệ/phụ tùng của Mỹ, mà còn buộc phải dừng hoạt động nghiên cứu và phát triển tại bang California.
Dù phía DJI khẳng định lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng tới khả năng mua và sử dụng sản phẩm của khách hàng Mỹ nhưng theo nhiều nguồn tin như cựu Giám đốc điều hành của DJI cùng 2 lãnh đạo đến từ các công ty đối thủ, diễn biến này chắc chắn ảnh hưởng tới khả năng phục vụ thị trường Mỹ, chuỗi cung ứng của công ty này trên toàn cầu và khả năng phát triển sản phẩm.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông David Benowitz, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty DroneAnalyst còn cho rằng, ảnh hưởng từ động thái của Bộ Thương mại Mỹ không chỉ xung quanh thị phần drone mà còn liên quan tới các hoạt động kinh doanh khác như ứng dụng điện thoại, máy chủ, sản phẩm về hình ảnh và sản xuất pin của DJI.
“Hơn nữa, khi tình hình Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng và Washington tích cực hậu thuẫn cho các đối thủ của DJI, thị phần của công ty Trung Quốc tại thị trường Bắc Mỹ khó có thể duy trì vị trí thống trị như hiện nay”, ông David Benowitz cho biết thêm.
Khủng hoảng nhân sự
Từ khi bị liệt vào “danh sách đen”, DJI chứng kiến xáo trộn nhân sự đáng kể khi nhiều nhân vật cốt cán rời đi, khiến những vấn đề của DJI càng thêm trầm trọng.
Cùng thời điểm Mỹ tuyên bố “danh sách đen” có tên DJI, ông Romeo Durscher, người phụ trách vấn đề an toàn cộng đồng tại Mỹ của DJI, có vai trò trung tâm trong quá trình gây dựng mảng kinh doanh cung cấp công nghệ drone cho các tổ chức, cơ quan chính phủ tại Mỹ, đột ngột nghỉ việc.
Ông Durscher, từng làm Giám đốc Dự án thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và là một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp drone, đã chuyển sang làm việc cho Auterion - đối thủ của DJI có trụ sở chính tại Thụy Sĩ.
Trong thông báo về lý do ra đi, ông DJI chia sẻ: “Những cuộc đấu đá nội bộ (giữa các nhân sự tại Mỹ và đội ngũ nhân viên ở trụ sở chính) đã khiến ban lãnh đạo xao nhãng mục tiêu quan trọng của công ty. Diễn biến năm 2020 càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn… Chúng tôi đã mất rất nhiều nhân tài tại DJI”.
Riêng trong năm ngoái, đã có khoảng 1/3 nhân sự trong đội ngũ 200 nhân vật quan trọng nhất của DJI tại khu vực Bắc Mỹ nghỉ việc hoặc từ chức. Làn sóng này diễn ra trên tất cả các văn phòng của DJI: Từ TP Palo Alto, Burbank cho đến New York, theo 3 cựu nhân viên và 1 nhân sự đang làm việc tại DJI.
Đáng chú ý nhất là sự ra đi của người chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển tại Mỹ của DJI - ông Hai Vo vào đầu năm nay. Sau đó, công ty Trung Quốc đã cho toàn bộ gần 10 nhân viên R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ) tại trung tâm nghiên cứu hàng đầu của công ty này tại Palo Alto, California, nghỉ việc.
Các đối thủ tiềm năng của DJI
Các đối thủ có thể thay thế DJI tại Mỹ còn tương đối nhỏ nhưng với sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty này bắt đầu phát triển. Một số cái tên có thể kể đến như Parrot (Pháp) hay Skydio (California, Mỹ). Ông Chris Roberts, Giám đốc điều hành Tập đoàn Parrot cho biết, năm 2020 là năm đáng nhớ đối với công ty này tại thị trường Mỹ.
Parrot đã được Bộ Quốc phòng Mỹ chọn làm nhà cung cấp, tham gia phân phối thiết bị cho các cơ quan cứu hộ khẩn cấp và an ninh của nước này.
Với Skyido, tuần trước, công ty Mỹ này thông báo kết quả gọi vốn khoảng 170 triệu USD, nâng tổng giá trị của công ty lên 1 tỷ USD.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận