Ảnh minh họa |
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1/10/1931 - 9/1/2013) tên thật là Lưu Trần Nghiệp, ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, với nhiều tác phẩm phản ánh những giai đoạn thay đổi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Âm nhạc của ông là sự hài hòa giữa âm hưởng trữ tình lãng mạn và hào hùng cách mạng.
Ông thường sử dụng các nốt biến âm trong từng bài hát, làm cho màu sắc của từng bài hát nghe không cảm thấy nhàm chán. Bài Ngọn đèn đứng gác ra đời năm 1966, Hoàng Hiệp cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở vùng Liên khu 4 (Thanh, Nghệ, Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh), nơi ngày đêm máy bay địch đánh phá ác liệt. Ông đã gặp những ngọn đèn lắp kính có hai màu được đặt trên tuyến đường để báo động phòng không. Màu đỏ là báo động, màu xanh báo yên.
“Trên đường ta đi đánh giặc dù về Nam hay ta lên Bắc
Ở đâu cũng gặp những ngọn đèn chong mắt đêm thâu
Ơi những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ tắt
Như miền Nam không bao giờ ngủ được
Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức
Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ ”.
Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói như: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu...; nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga,Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn...
Ông còn là dịch giả cuốn nhạc lý cơ bản của Spasspbine, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc. Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác,Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận