Người dân không nên vội vàng mua bình chữa cháy khi chưa xác định rõ nguồn gốc |
Bài báo phỏng vấn Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) về Thông tư 57 của Bộ Công an, quy định bắt buộc ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị bình chữa cháy đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bài phỏng vấn “truy” trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi bình chữa cháy phát nổ. Đồng thời, nêu thắc mắc của dư luận và lời giải đáp của Đại tá Thắng về độ an toàn của những bình chữa cháy trên ô tô.
Trả lời trong bài báo, Đại tá Đoàn Hữu Thắng đưa ra khuyến cáo: “Đứng trước một chính sách mới nên bình tĩnh xem xét, quy định như thế nhưng nếu trên thị trường bán hàng không đảm bảo thì không nên vội mua”.
Bình luận về quy định này, bạn đọc Nguyen Da viết: “Đối với xe ô tô, đa số cháy ở khoang động cơ. Như vậy, nếu có bình chữa cháy mini cũng không giải quyết được gì. Vì vậy, nếu nhất quyết áp dụng Thông tư thì phải làm rõ dung tích phù hợp, hướng dẫn cách mua bình đạt chuẩn. Đặc biệt, phải kiểm soát chất lượng bình chữa cháy bán ra thị trường”.
Trong khi đó, bạn đọc Thế Hiển ủng hộ và bình luận: “Nhà chế tạo ghi để bình trong khoảng nhiệt độ từ -7 độ C đến 55 độ C, thì có nghĩa là nếu trên 55 độ thì bình có thể bị xì, giảm tác dụng khi cần thiết, chứ không phải là nó sẽ nổ”.
Phản biện ý kiến này, bạn đọc Lê Nam cho rằng: “Miền Bắc nắng nóng, xe đỗ ngoài trời có nhiệt độ trong khoang 55 độ C là bình thường. Nếu trên 55 độ C, bình giảm tác dụng thì để trên xe cũng không có ý nghĩa gì. Đề nghị bỏ quy định bắt buộc có bình chữa cháy trên ô tô”.
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm, điều tra TNGT, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, trong thời gian này, lực lượng chức năng vẫn tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện nghiêm túc chứ chưa xử phạt xe không có bình cứu hỏa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận