Chuyện dọc đường

Bình đẳng trong vay vốn ODA

02/05/2018, 06:28

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp trong nước đặc biệt quan tâm gần đây là việc Bộ KH&ĐT công bố...

2

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị Bộ KH&ĐT cần công khai các tiêu chí đấu thầu nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Dự án được đầu tư bằng hình thức PPP đang được mở rộng lên 6 làn xe) - Ảnh: K.Linh

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp trong nước đặc biệt quan tâm gần đây là việc Bộ KH&ĐT công bố và lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi. 

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Nghị định này là việc đề xuất khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Dù mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến, nhưng đây rõ ràng là điều rất mới mẻ và gần như là lần đầu tiên khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông được đề xuất cho phép tiếp cận, sử dụng vốn ODA. Gần 30 năm qua, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam bắt đầu được các tổ chức tín dụng quốc tế cung cấp vốn ODA, nguồn vốn này mặc định chỉ cho phép các tổ chức mang tính chính danh của quốc gia như Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước vay hoặc sau đó cho các doanh nghiệp Nhà nước vay lại.

Đề xuất này càng đặc biệt hơn khi nguồn vốn ODA đang ngày càng hạn hẹp hơn khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình. Không ít nhà tài trợ đã cắt giảm vốn vay ưu đãi cho Việt Nam mà thay vào đó là các nguồn vốn ít ưu đãi hơn hoặc có mức lãi suất cao hơn.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào, đề xuất này vẫn rất đáng ghi nhận và cho thấy xu hướng vốn ODA không còn đóng, là của riêng khu vực Nhà nước mà hoàn toàn có thể mở đối với tất cả các đối tượng, trong đó có cả khu vực tư nhân, miễn sao đồng vốn ấy được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Nếu được triển khai áp dụng vào thực tiễn, không những tạo ra sự minh bạch, công bằng giữa các đối tượng tiếp nhận mà còn có ý nghĩa thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, tạo đột phá phát triển lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Nếu so sánh mức lãi suất trung bình khoảng trên dưới 10% mà các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu, thì vốn ODA hay vốn vay ưu đãi rất thấp, chỉ một vài phần trăm là hấp dẫn hơn rất nhiều.

Dù vốn ODA hay vốn vay ưu đãi đều có sự ràng buộc chặt chẽ của các nhà tài trợ, các định chế tài chính, nhưng trên lý thuyết, nước tiếp nhận vốn có toàn quyền quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay này và chỉ cần nước cấp ODA chấp thuận danh mục dự án và lĩnh vực đầu tư. Vì thế, đề xuất cho phép khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA là hoàn toàn có cơ sở và khả thi để áp dụng. Trước mắt, theo dự thảo Nghị định, Bộ KH&ĐT đề xuất doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng. Doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại vốn ODA qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.