Hàng không

Bình Định mong sớm phát triển khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát

22/11/2023, 15:50

UBND tỉnh Bình Định cam kết sẽ bố trí kinh phí và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng sớm nhất việc phát triển khu Hàng không dân dụng sân bay Phù Cát.

Ngày 22/11, UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc bổ sung, làm rõ về quy hoạch Cảng hàng không (CHK) Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

CHK Phù Cát đã xuống cấp

Theo UBND tỉnh Bình Định, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đang tận dụng tất cả thế mạnh để trở thành một trong những tỉnh phát triển nhóm đầu của khu vực miền Trung, tiến tới tự chủ ngân sách sau năm 2035. 

Bình Định mong sớm phát triển khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát - Ảnh 1.

CHK Phù Cát đang có dấu hiệu xuống cấp, khả năng phải dừng hoạt động để sửa chữa.

Trong đó, CHK Phù Cát có vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Trong những năm qua, tỉnh Bình Định đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối với các tuyến quốc lộ, trung tâm kinh tế của tỉnh, cảng biển, CHK Phù Cát như: Tuyến quốc lộ 19 mới; đường trục Khu kinh tế nối dài (từ CHK Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội); tuyến đường ven biển theo quy hoạch quốc gia... Đây là những tuyến đường giao thông trọng yếu có vai trò tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và trong khu vực. 

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các Hãng hàng không để tăng cường chuyến bay đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh giao thương, thương mại - du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực Nam Trung Bộ. 

Tuy nhiên, với quy mô hiện tại CHK Phù Cát đã bị quá tải, nhất là vào mùa cao điểm du lịch hè kéo dài và các dịp tổ chức hội nghị, sự kiện, lễ Tết. Đường cất hạ cánh hiện tại chỉ đảm bảo khai thác giảm tải các loại tàu bay như A320/321 và tương đương do sức chịu tải của hệ thống đường cất hạ cánh thấp và thời gian khai thác thực tế của đường cất hạ cánh đã vượt quá tuổi thọ thiết kế.

Đường lăn, sân đỗ được xây dựng đã lâu, trong thời gian chiến tranh phục vụ cho máy bay quân sự. Vì vậy các vết nứt do co giãn nhiệt đã xuất hiện từ rất lâu, xuyên suốt chiều dày tấm. Kết cấu đường cất hạ cánh xuống cấp, xuất hiện nhiều hư hỏng nhưng đã được sửa chữa tạm thời để khai thác. 

Đến khoảng năm 2025, khả năng phải dừng các hoạt động tại sân bay (khoảng 6 tháng) để nâng cấp, sửa chữa lớn đường cất hạ cánh nhằm đảm bảo an toàn khai thác trong các hoạt động bay. Mặt khác, hiện nay nhà ga hành khách cũng đang xuống cấp, không đảm bảo năng lực đón khách giờ cao điểm. Không có nhà ga hàng hóa riêng, đang sử dụng nhà ga hành khách để làm khu vực xử lý hàng hóa. 

"Do vậy, hiện trạng xuống cấp của CHK Phù Cát đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương", ông Phạm Anh Tuấn nhìn nhận.

Phát triển CHK Phù Cát về phía Nam

Theo hồ sơ Quy hoạch CHK Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tư vấn đã nghiên cứu 4 phương án là phát triển khu hàng không dân dụng về 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Quá trình nghiên cứu lựa chọn phương án quy hoạch, Cục Hàng không VN đã tổ chức lấy ý kiến của Quân chủng Phòng không - Không quân về tác động của các phương án điều chỉnh quy hoạch CHK Phù Cát đến quốc phòng - an ninh, chiến lược và kế hoạch hoạt động quân sự. 

Theo đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cơ bản nhất trí việc chuyển đổi toàn bộ khu đất phía Nam CHK Phù Cát và các công trình quân sự trên đất để quy hoạch khu hàng không dân dụng. 

Bình Định mong sớm phát triển khu hàng không dân dụng sân bay Phù Cát - Ảnh 2.

CHK Phù Cát cần sớm được quy hoạch mở rộng nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc phát triển khu Hàng không dân dụng về phía Nam cũng đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thống nhất với ưu điểm sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các công trình được quy hoạch đồng bộ đáp ứng mục tiêu quy hoạch, phù hợp với quy hoạch CHK hiện hữu; vị trí phát triển các công trình khu hàng không dân dụng không ảnh hưởng đến các quy hoạch liên quan của địa phương; sử dụng hợp lý quỹ đất và kết cấu hạ tầng hiện có của CHK và của HKDD; giảm chi phí đầu tư trong việc kết nối với công trình hiện hữu và đã thống nhất vị trí để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu của các đơn vị không quân. 

Trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 59 của Văn phòng Chính phủ và sự đồng ý của các bên liên quan, UBND tỉnh Bình Định đề nghị thủ trưởng Bộ Quốc phòng, thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về việc quy hoạch các công trình khu hàng không dân dụng theo phương án phát triển khu Hàng không dân dụng về phía Nam (phía đầu 33 đường CHC, trên khu đất quốc phòng chuyển đổi mục đích sử dụng) của Quy hoạch CHK Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

"UBND tỉnh Bình Định cam kết sẽ bố trí kinh phí và thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (bao gồm di dời hoàn trả hiện trạng các công trình quân sự nằm trong khu vực quy hoạch mở rộng CHK Phù Cát đảm bảo theo các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Quốc phòng).

Đồng thời, tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định bố trí kinh phí xây dựng đường cất hạ cánh số 2 (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc vốn ngân sách tỉnh) để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng sớm nhất nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.