Pháp luật

Bình Định quyết xử lý hình sự vụ tàu vỏ thép lắp máy “dỏm”

13/06/2017, 13:17

Công ty đóng tàu chi hàng trăm triệu đồng nhằm "bịt miệng" ngư dân Bình Định để rút đơn khiếu nại.

22

Máy tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ-99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn “đổ bệnh” phải nằm bờ. Công ty Nam Triệu đề nghị hỗ trợ 100 triệu đồng để ông Sơn rút đơn nhưng ông không đồng ý

Công ty đóng tàu chi hàng trăm triệu đồng nhằm "bịt miệng" ngư dân Bình Định để rút đơn khiếu nại. Nhưng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, tỉnh vẫn tiến hành các tổ giám định chất lượng độc lập và xử lý sẽ chuyển công an điều tra.

7 ngư dân rút đơn, tỉnh vẫn tiến hành thẩm định

Ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay, hiện có 7 ngư dân đồng loạt gửi đơn đến cơ quan chức năng rút đơn khiếu kiện gồm: 5 ngư dân tại huyện Hoài Nhơn, 2 ngư dân còn lại ở huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chủ tàu vỏ thép 67 khác không rút đơn kiện liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, hư hỏng. “Quan điểm của tỉnh Bình Định là dù ngư dân có rút đơn khiếu kiện hay không thì vẫn thẩm định các tàu vỏ thép nằm bờ để tìm nguyên nhân hư hỏng tàu và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề nghị cơ quan chức năng xử lý”, ông Phúc nói.

Làm việc tại Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, trách nhiệm quan trọng nhất và cuối cùng thuộc về các cơ sở đóng tàu, ở đây là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục hư hỏng tàu cá theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân. Bộ NN&PTNT cũng quyết định sẽ tạm dừng không cho 2 công ty này nhận hợp đồng đóng tàu mới. Bộ NN&PTNT cũng sẽ rà soát, kiểm tra lại trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm trong việc này.

Theo tìm hiểu của PV, ngay trước khi 18 tàu vỏ thép nằm bờ của ngư dân Bình Định được UBND tỉnh tiến hành các tổ thẩm định, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Công ty Nam Triệu, Bộ Công an) đã tìm gặp nhiều chủ tàu vỏ thép 67 để “chia sẻ tình cảm” và đề nghị rút đơn kiện, không cung cấp thông tin cho báo chí. Ông Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) - chủ tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ-99245 TS cho biết: “Tuần trước, đại diện Công ty Nam Triệu gặp để đưa hỗ trợ 100 triệu đồng và yêu cầu tôi phải ký thỏa thuận cam kết không khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền nhưng tôi không đồng ý…”.

Tương tự, ngư dân Thái Văn Duyệt (chủ tàu vỏ thép BĐ-99160 TS) cũng cho biết ngày 4/6, ông Nguyễn Hoàng Tân, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu của Công ty Nam Triệu có gặp vợ chồng ông đề nghị hỗ trợ 200 triệu đồng, đồng thời yêu cầu rút đơn khiếu nại nhưng ông Duyệt không đồng ý. “Tàu tôi đóng gần 20 tỷ đồng, giờ hư hỏng nằm bờ thiệt hại biết bao nhiêu rồi. 200 triệu đồng lớn, nhưng tôi muốn làm rõ ràng, phải bồi thường thỏa đáng những thiệt hại mà ngư dân phải gánh chịu khi tàu nằm bờ hàng tháng”, ông Duyệt nói.

Cam kết thay máy mới

Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua kiểm tra sơ bộ, hãng máy Mitsubishi cũng khẳng định, nhiều máy không phải của chính hãng này. Thậm chí, có những máy đề vỏ Mitsubishi nhưng “ruột” không đúng, bị hoán cải… Trước mắt, tỉnh chờ báo cáo cụ thể của hãng Mitsubishi, trên cơ sở đó tỉnh sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề. “Tôi đã chỉ đạo Công an tỉnh phải vào cuộc điều tra, đồng thời báo cáo Bộ Công an cụ thể về vụ việc. Đối với các cơ sở đóng tàu không có lương tâm, đóng những con tàu kém chất lượng gây ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân khi ra khơi thì tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng đặt vấn đề xử lý hình sự”, ông Châu nói.

Kết quả ban đầu tổ thẩm định chất lượng tàu vỏ thép của Bình Định có sự tham gia của các chuyên gia hãng máy Mitsubishi cho thấy, 8/9 tàu thép được lắp máy Mitsubishi không chính hãng, có dấu hiệu hoán cải, không phải máy nguyên chiếc. Trước bằng chứng không thể chối cãi này, phía Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (nhà cung cấp máy Mitsubishi cho tàu vỏ thép tại Bình Định) vừa phát đi văn bản nhận trách nhiệm về việc cung cấp máy tàu không phù hợp với tàu cá của ngư dân. Đơn vị này cũng cam kết sẽ hoàn thành việc thay máy mới trong thời gian từ 1-3 tháng.

Trao đổi với PV, nhiều chủ tàu bày tỏ sự bất ngờ trước động thái trên của đơn vị cung cấp máy tàu. Bởi, tại cuộc họp do UBND tỉnh Bình Định chủ trì tháng trước (10/5), đại diện Hoàng Gia Phát liên tục khẳng định máy Mitsubishi do công ty này phân phối là chính hãng, là mới 100% và đổ lỗi máy hỏng là do ngư dân không biết sử dụng.

Theo ông Teddy Trương Thưởng, trợ lý Giám đốc bán hàng của Công ty Xin MinHua Pte Ltd (Singapore), một trong những đại diện của hãng Mitsubishi tại Singapore, hãng đã phân phối hơn 300 máy để đóng tàu theo Nghị định 67 và đều không có hư hỏng gì đáng kể. Trong khi đó, ông Trần Văn Nguyện, Chánh văn phòng Công ty Nam Triệu xác nhận mua máy hiệu Mitsubishi tại Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát, nhưng không rõ công ty trên có phải đơn vị phân phối chính hãng hay không.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.